Nhiễm vi khuẩn, xạ trị chữa ung thư, mắc bệnh đái tháo đường, u tuyến tiền liệt, mang thai làm tăng nguy cơ viêm bàng quang cấp.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Hoan, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm bàng quang cấp là tình trạng bàng quang bị tổn thương, viêm sưng do nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh đa số gặp ở nữ giới, với triệu chứng đau và khó chịu khi đi tiểu.
Nguyên nhân gây viêm có hai nhóm, do vi khuẩn (nhiễm khuẩn) và không do vi khuẩn. Trong đó, vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu như Escherichia coli (E.coli), Proteus mirabilis, tụ cầu vàng, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh. Khoảng 80% trường hợp viêm bàng quang cấp tính do nhiễm khuẩn E.coli, loại vi khuẩn chính ký sinh trong đường ruột của người.
Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang sẽ tấn công lớp niêm mạc và dưới niêm mạc (bộ phận có chức năng bảo vệ bàng quang). Niêm mạc bị tổn thương trở nên nhạy cảm, gây ra triệu chứng đặc trưng như tiểu nhiều lần, tiểu rắt.
Bình thường lớp niêm mạc cùng cơ chế bài xuất nước tiểu giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại. Khi mất một trong hai cơ chế này hoặc vi khuẩn xâm nhập quá nhiều sẽ xảy ra bệnh viêm bàng quang cấp.
Cấu trúc niệu đạo, âm đạo và hậu môn nữ giới gần nhau, vi khuẩn gây bệnh dễ lây nhiễm và xâm nhập vào bàng quang trong thời gian ngắn hơn nam giới.
Viêm bàng quang cấp có thể do một số bệnh hoặc xạ trị chữa ung thư khiến cơ thể suy giảm khả năng miễn dịch, dễ dàng bị vi khuẩn tấn công. Bệnh đái tháo đường; phì đại tuyến tiền liệt hoặc u tuyến tiền liệt; hẹp niệu đạo hoặc bao quy đầu ở nam giới; sỏi, u bàng quang; mang thai, thay đổi nội tiết tố khi mãn kinh… làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Một số loại thuốc sử dụng trong hóa trị, thuốc diệt tinh trùng, thuốc tránh thai cũng có thể gây viêm bàng quang cấp khi người bệnh dùng thuốc không đúng liều lượng hoặc không có chỉ định bác sĩ. Hóa chất trong sản phẩm vệ sinh phụ nữ nếu không đạt chuẩn có thể kích ứng và nhiễm khuẩn tiết niệu, bàng quang.
Bác sĩ Hoan lưu ý viêm bàng quang cấp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, sử dụng gel hoặc kem diệt tinh trùng, phụ nữ đặt vòng tránh thai, người đặt ống thông tiểu và người từng bị viêm bàng quang.
Bệnh tương đối lành tính. Hầu hết các trường hợp điều trị bằng cách uống thuốc kháng sinh trong thời gian ngắn. Bệnh chỉ trở nặng khi nhiễm trùng lan đến thận với triệu chứng sốt cao, đau hông lưng một hoặc hai bên, có dấu hiệu rung thận. Lúc này đa số người bệnh cần nhập viện điều trị.
Hoàng Liên Sơn
Độc giả gửi câu hỏi bệnh tiết niệu – nam học tại đây để bác sĩ giải đáp |