Triệu chứng đau bụng tiêu chảy có thể xảy ra do viêm dạ dày ruột, hội chứng ruột kích thích, ngộ độc thực phẩm, bệnh viêm ruột.
Đau bụng tiêu chảy là dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp, xuất hiện dưới dạng cơn đau quặn ruột. Triệu chứng đi kèm có thể gồm đi ngoài phân lỏng nhiều lần kèm nhầy máu, nóng rát hậu môn, buồn nôn, chóng mặt…
Bác sĩ Võ Đăng Toàn, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau bụng tiêu chảy có thể liên quan đến thực phẩm tiêu thụ hoặc các bệnh dưới đây.
Viêm dạ dày ruột là tình trạng nhiễm trùng ruột, dạ dày do vi khuẩn hoặc virus. Triệu chứng điển hình là đau bụng tiêu chảy, thường xuất hiện sau khi nhiễm bệnh khoảng vài giờ, kéo dài nhiều ngày.
Nguyên nhân có thể do ăn phải thức ăn, nước uống nhiễm vi khuẩn, virus, lây truyền mầm bệnh từ người khác. Triệu chứng bệnh thường biến mất mà không cần điều trị.
Người bệnh có thể uống nhiều nước, nghỉ ngơi, uống thuốc không kê đơn để cải thiện triệu chứng. Trường hợp bệnh kéo dài dai dẳng nên đi khám sớm để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Ngộ độc thực phẩm thường gây đau bụng tiêu chảy trong thời gian ngắn, thường biến mất vài giờ đến vài ngày. Nguyên nhân thường do ăn thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn, virus, vi nấm, chất phụ gia, chất bảo quản liều lượng cao. Chế độ ăn uống hợp vệ sinh, chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tiêu hóa tốt hơn, phòng ngừa ngộ độc.
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích là tiêu chảy, đau bụng quanh rốn hoặc dọc theo khung đại tràng. Bệnh xảy ra do rối loạn chức năng đi tiêu, gây khó chịu cho người bệnh.
Quản lý căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, tập thể dục thể thao đều đặn… giúp phòng bệnh.
Bệnh viêm ruột là một nhóm các bệnh có tổn thương đặc trưng tại ruột, bao gồm viêm loét đại tràng và Crohn. Triệu chứng điển hình nhất là đau bụng tiêu chảy, phân lẫn máu, sụt cân, viêm khớp, sụt cân, tổn thương mắt…
Viêm ruột mạn tính làm tổn thương nghiêm trọng ở đường tiêu hóa, cần chẩn đoán và điều trị từ sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Tâm lý căng thẳng làm kích thích nhu động ruột, dẫn đến đau bụng và tiêu chảy, tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích. Tập thể dục thường xuyên, tập thiền, hít thở sâu, suy nghĩ tích cực có thể kiểm soát căng thẳng.
Khó tiêu và ăn quá nhiều tạo áp lực lớn lên hệ thống tiêu hóa, gây đau bụng tiêu chảy, phổ biến nhất là trẻ em. Để phòng ngừa, mỗi người nên kiểm soát khẩu phần ăn mỗi ngày, ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn, cân bằng các nhóm chất xơ, chất khoáng.
Tác dụng phụ của thuốc kháng axit chứa magie, thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị, nhuận tràng, thuốc trị tiểu đường, có thể kích ứng dạ dày, dẫn đến đau bụng tiêu chảy. Triệu chứng thường biến mất sau vài ngày ngưng dùng thuốc.
Rượu cản trở tiêu hóa, tăng tốc độ co bóp, cản trở hấp thu nước ở đại tràng. Một số loại rượu mạnh tác động xấu đến hệ vi sinh trong đường ruột, gây đau bụng tiêu chảy, nôn ói cùng nhiều triệu chứng khác. Bỏ rượu bia càng sớm càng tốt góp phần duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Đau bụng tiêu chảy có thể xảy ra do nội tiết tố, thói quen ăn uống và cấu trúc cơ thể thay đổi khi mang thai. Nếu triệu chứng kéo dài kèm đi ngoài lẫn máu, mẹ bầu nên đi khám sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh liên quan đến ruột thừa, thận, tiết niệu, túi mật, gan, tuyến tụy… cũng có thể dẫn đến đau bụng kèm tiêu chảy.
Bác sĩ Toàn khuyến cáo người bệnh đi khám và điều trị sớm nếu triệu chứng diễn tiến ngày càng nghiêm trọng, tái phát liên tục hoặc kéo dài trên ba ngày. Ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn cay, nhiều chất béo, rượu bia, uống nhiều nước, rửa tay thường xuyên, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách… phòng ngừa đau bụng tiêu chảy.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |