TP HCMBà Tiên, 91 tuổi, đau ngực, nguy cơ nhồi máu cơ tim, sốc phản vệ khi tiêm thuốc cản quang chụp CT, được bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Ngày 20/10, TS.BS Trần Vũ Minh Thư, Trưởng khoa Nội tim mạch 2, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định, thiếu máu cơ tim nặng, nguy cơ nhồi máu cơ tim. Suốt một tháng trước đó, bà Tiên đau ngực nhẹ khi gắng sức, vài phút là hết, sau vài ngày lại tái phát. Lần này bà đang ngủ thì đau ngực dữ dội lan lên đầu, cổ, vã mồ hôi, buồn nôn, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Bác sĩ chỉ định chụp CT mạch vành nhưng vừa tiêm 15 ml thuốc cản quang thì bệnh nhân sốc phản vệ độ ba với biểu hiện co cứng tay chân, huyết áp tụt (80/40 mmHg), tiểu không tự chủ, khó thở, buồn nôn, tăng tiết đờm dãi.
Bác sĩ Thư cho biết thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch có chứa một lượng nhỏ iốt. Thuốc tiêm vào cơ thể chặn lại tia X từ máy chụp CT, làm nổi bật hình ảnh, cấu trúc của các cơ quan trên phim chụp.
Thông thường hệ miễn dịch không phản ứng với thuốc cản quang. Tuy nhiên ở một số người, hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá gây tình trạng phản ứng với thuốc dẫn đến buồn nôn, nôn, ngứa, nặng dẫn đến sốc phản vệ.
Ê kíp dùng thuốc tiêm bắp và tĩnh mạch để cấp cứu sốc phản vệ. Bệnh nhân dần ổn, được chuyển về phòng theo dõi, chưa chụp được CT mạch vành.
Hai ngày sau, bà lại đau ngực nhiều. Bác sĩ chẩn đoán hẹp mạch vành diễn tiến nặng, có thể tắc bất cứ lúc nào, gây nhồi máu cơ tim, cần tái thông mạch vành. Bệnh nhân lớn tuổi, khả năng động mạch vành bị vôi hóa, vặn xoắn, hẹp nặng, nguy cơ sốc phản vệ lần hai có thể khiến bệnh nhân ngưng tim ngay trên bàn thủ thuật.
ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng Đơn vị can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch, cho biết bệnh nhân thông thường cần bơm 20-30 ml thuốc cản quang khi chụp mạch vành. Bà Tiên có tiền sử sốc phản vệ, dù đưa vào lượng nhỏ thuốc cản quang cũng dễ dẫn đến tái sốc phản vệ.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc kháng dị ứng, ngừa phản ứng phản vệ với hai loại thuốc gồm một loại dùng một giờ trước thủ thuật; loại còn lại dùng 12 giờ và 2 giờ trước thủ thuật. Bên cạnh đó, ê kíp sử dụng kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành Cardiac Swing với lượng cản quang tối thiểu, kết hợp hệ thống phân tích hình ảnh ba chiều. Nhờ đó giảm gần 1/2 liều cản quang thông thường, giảm nguy cơ suy thận cho bệnh nhân.
Quy trình chụp mạch vành và đặt hai stent tái thông hai nhánh mạch vành trái hẹp 95-99% dưới hướng dẫn của phần mềm roadmap và siêu âm trong lòng mạch (IVUS) cho bệnh nhân chỉ sử dụng 50 ml thuốc cản quang. Ca can thiệp thành công sau 60 phút.
Sau đặt stent, bà Tiên hết đau ngực, khó thở, huyết áp, nhịp tim bình thường. Nhờ luồn ống thông qua đường động mạch quay ở cổ tay thay vì động mạch đùi, bà đi lại và sinh hoạt bình thường, xuất viện sau hai ngày.
Cùng với điều trị nội khoa phòng ngừa sốc phản vệ, suy thận, kỹ thuật Cardiac Swing trong chụp và can thiệp mạch vành dưới hỗ trợ của phần mềm roadmap dẫn đường, siêu âm trong lòng mạch mở ra cơ hội điều trị bệnh mạch vành cho bệnh nhân dị ứng, nguy cơ sốc phản vệ, nguy cơ suy thận với thuốc cản quang, theo bác sĩ Minh.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |