Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin là cơ hội để truyền thông lan tỏa, cũng nhằm tạo điều kiện để mở rộng dân chủ. Thế nhưng, không ít tổ chức, cá nhân đã lợi dụng vấn đề này để tung tin thất thiệt, bình luận (comment) vu khống, xúc phạm bằng cách bịa đặt tình tiết về các vụ việc, vụ án nhằm “câu view”, “câu like”, hướng lái dư luận vào mục đích cụ thể, thực dụng hơn cả là kiếm tiền từ trên mạng… Nhiều người gọi đây là những “bình luận bẩn”.
Người dùng mạng xã hội cần đề cao sức đề kháng trước các thông tin xấu, độc để comment cẩn trọng. Ảnh chụp từ internet
Cách đây không lâu, khi mở các trang mạng xã hội người dùng sẽ thấy xuất hiện dày đặc các chia sẻ, bình luận về việc “nam thanh niên ở Thái Nguyên rơi từ tầng 11 chung cư Tiến Bộ, nghi ngoại tình với người phụ nữ (là một cán bộ đoàn) ở tầng 11 của chung cư này”, trong số đó có nhiều bình luận, chia sẻ với những thông tin kiểu dựng chuyện, bịa đặt, trộn lẫn thật – giả khiến cho người đọc/xem như lạc vào mê cung, không thể phân biệt được thông tin đúng – sai, thật – giả. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng đã lợi dụng “sức nóng” của vụ việc đang lan truyền từ mạng xã hội, cắt dán hình ảnh của người phụ nữ trong cuộc để ghép vào một nữ cán bộ đoàn của xã Quảng Trạch (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) nhằm bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh của người cán bộ đoàn này. Nghe các câu, từ bình luận trên các trang mạng, những người ít thông tin cứ ngỡ những “anh hùng bàn phím” có những “nguồn thông tin đáng tin cậy” như họ nói. Nhưng thực chất, tất cả thông tin mà họ đăng tải hay chia sẻ, bình luận đều là do cóp nhặt trên mạng, kết hợp với sự bình luận bạt mạng, vô căn cứ, hoàn toàn theo ý chủ quan. Thậm chí trong một số vụ việc còn trong quá trình điều tra, xác minh, họ sẵn sàng bịa thêm các chi tiết, nhân vật, hòng làm cho vụ việc, vụ án thêm ly kỳ, mục đích cuối cùng là để trang của mình có nhiều người quan tâm, theo dõi. Điều tai hại là sự bịa đặt này được phát đi phát lại, kiểu “mưa dầm thấm sâu”, khiến cho người xem chuyển từ phân vân đến nghi ngờ, rồi tin tưởng vào những điều không có thật.
Thực tế, “bình luận bẩn” có khá nhiều dạng. Dạng dễ nhận thấy nhất là những comment tục tĩu. Dạng thứ hai tinh vi hơn, khó kiểm soát hơn vì nhìn thoáng qua tưởng chừng vô hại. Những kẻ thường xuyên tung “comment bẩn” dạng này bỏ thời gian để theo dõi xem những người còn lại trong diễn đàn đang nói về điều gì để bắt lỗi, chất vấn… những bình luận này thường gay gắt hơn mức bình thường để tạo nên làn sóng lan truyền trên mạng. Dạng thứ ba là những comment do chính “chủ thớt” nêu ra để làm chủ đề bàn luận cho cư dân mạng tham gia và đưa ra nhận xét, bình phẩm, đánh giá của mình, từ đó lôi kéo, kích động người khác cùng bình luận nhằm đạt được ý đồ. Dạng “comment bẩn” này thường được dựng lên có chủ đích rõ ràng, có thể vì mục đích chính trị, kinh tế, xã hội…
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đã từng có nhiều trường hợp bị xử phạt chỉ vì bình luận cho vui, bất chấp hậu quả xảy ra. Ví như trong đợt phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dưới dòng trạng thái về lực lượng phòng, chống dịch chi viện cho miền Nam, một thanh niên vào bình luận: “Toàn bụng to, đi vơ vét…” để rồi sau đó bị xử lý nộp phạt vì xúc phạm lực lượng phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người vô tư hùa nhau thả comment, ném đá một người hoặc một sự việc nào đó trên mạng xã hội vì họ cho rằng mình ẩn danh và không cần phải có trách nhiệm gì với người hay sự việc bị chỉ trích. Tuy nhiên, tự do ngôn luận phải được thực hiện trong khuôn khổ, giới hạn không làm ảnh hưởng đến các quyền và giá trị khác được pháp luật quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013, Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Khung pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ, hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng. Trong đó, quy định rõ quyền, nghĩa vụ và việc hạn chế quyền này của công dân trong trường hợp cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiến pháp 2013 và nhiều công ước quốc tế về quyền con người cũng đã quy định rất rõ và cụ thể quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin.
Trao đổi về vấn đề này, Luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh, chia sẻ: “Bộ Luật hình sự 2015 đã có những quy định bảo vệ các quyền này. Điều 288 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông “Phạt tiền” người nào thực hiện nhằm “thu lợi bất chính”; “gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân” số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng. “Phạt cải tạo không giam giữ” phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với những người: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông “những thông tin trái với quy định của pháp luật…”.
Song song với đó, pháp luật không chỉ buộc người viết “bình luận bẩn” chịu trách nhiệm mà người có trang thông tin cá nhân chứa “bình luận bẩn” cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi hành vi bạo lực tinh thần trên không gian ảo dưới bất kỳ trạng thái nào đều để lại hậu quả thật. “Bắt nạt trực tuyến” là cụm từ được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thường dùng để báo động cho những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác trên mạng xã hội, trong đó có những bình luận xấu. Số liệu khảo sát của UNICEF từng cho thấy 21% thanh thiếu niên tham gia khảo sát là nạn nhân của bắt nạt trên mạng xã hội tại Việt Nam. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bắt nạt trực tuyến đã đưa nạn nhân tìm đến con đường tự tử. Do vậy, trước khi gõ bàn phím, tự thân mỗi người cần cân nhắc mỗi dòng bình luận, bởi với những dòng “bình luận bẩn” có thể là chiếc thòng lọng trên cổ ai đó nhưng cũng có thể sẽ là chiếc còng đưa chính chúng ta – người vừa gõ comment vào vòng lao lý.
Bài và ảnh: Lê Phượng