Kiếm tiền từ… người chết
Cuối tháng 9/2021, ca sĩ Phi Nhung qua đời sau thời gian mắc Covid-19. Khi thông tin đám tang của cố nghệ sĩ vừa lan truyền trên mạng xã hội, nhiều YouTuber, TikToker… bắt đầu “truy lùng” địa chỉ tổ chức lễ tang.
Chỉ khoảng 1 giờ sau, hơn 10 người đã có mặt tại nhà riêng của giọng ca “Bông điên điển” ở phường 26, quận Bình Thạnh để livestream (phát trực tiếp).
YouTube, TikTok, Facebook… hiện không chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ, kết nối cá nhân mà còn là công cụ kiếm tiền hữu hiệu.
Nếu biết cách khai thác, những nền tảng này có thể mang lại cho người dùng thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khả năng nói chuyện đơn giản có thể quay clip, livestream lên mạng xã hội.
Làm YouTuber, TikToker… thực sự là một nghề đáng để đầu tư. Mặt trái là không ít “người làm nghề” đang lợi dụng chuyện thương tâm, tang ma, thảm họa để livestream kiếm tiền đầy phản cảm.
Nhiều clip quay về tư gia của cố nghệ sĩ sau một đêm đều có lượt xem từ vài trăm nghìn đến cả triệu view (lượt xem). Ngày hôm sau, con hẻm dẫn vào nơi làm lễ tang nghệ sĩ Phi Nhung chật cứng YouTuber đứng chĩa máy ghi hình. Họ quay bất cứ ai vào viếng đám tang, từ người hâm mộ, họ hàng đến giới nghệ sĩ.
Nhiều YouTuber khác thì cầm điện thoại đi khắp các con hẻm gần đó tìm người địa phương hỏi về đời tư và cái chết của cố nghệ sĩ.
Ông Nguyễn Văn Tùng (47 tuổi, sống cách nhà ca sĩ Phi Nhung 200m) cho biết, thời điểm đó có trên 50 YouTuber đến quay phim đám tang. Ngoài việc phát sóng trực tiếp người đến viếng, họ còn đăng nhiều câu chuyện đời tư của nữ nghệ sĩ lên mạng khi chưa được gia đình cho phép.
Bức xúc vụ việc, người thân ca sĩ Phi Nhung phải nhờ Công an phường 26 (quận Bình Thạnh) đến giải tán và mời một số người về phường làm việc. Tuy nhiên, những người này không từ bỏ mà lén lút ghi hình bằng cách vào quán cà phê, nhà dân bên cạnh để zoom máy ghi hình, đăng clip kiếm tiền.
“Đám tang là chuyện buồn vậy mà những YouTuber đứng quay phim nói cười inh ỏi, làm nội dung xoáy vào nỗi đau của người ta để kiếm tiền, thật sự quá phản cảm”, ông Tùng nói.
Tương tự, ngày 5/3, thông tin nghệ sĩ Vũ Linh qua đời vừa được công bố, khoảng 30 phút sau, nhà riêng của ông hoàng cải lương trên đường Đoàn Thị Điểm (quận Phú Nhuận) đã có hơn 20 YouTuber, TikToker đến ghi hình. Mọi khâu dựng rạp, tẩm liệm, người đến viếng đều được họ livestream triệt để.
Trong thời gian tổ chức lễ tang, có khoảng 200 YouTuber, TikToker cắm chốt cả ngày lẫn đêm đứng ghi hình. Đường Đoàn Thị Điểm và các quán cà phê tại khu vực luôn chật cứng người livestream.
Công an quận Phú Nhuận phải có mặt căng dây dọc vỉa hè, đề nghị các quán cà phê tại khu vực tạm đóng cửa để giải tán YouTuber. Tuy nhiên, biện pháp trên cũng không giải quyết được phần nào vì lượng YouTuber từ các tỉnh khác đổ về ngày càng đông.
5 ngày sau, thi hài nghệ sĩ Vũ Linh được đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương mọi việc mới tạm chấm dứt.
Lúc này, đội ngũ livestream tiếp tục đổ dồn về nơi an nghỉ của nghệ sĩ Vũ Linh và cắm chốt ghi hình ròng rã suốt 3 tháng. Công đoạn xây mộ, người đến cúng viếng được Youtuber quay cặn kẽ để kiếm tiền
Đồng thời, khi nội bộ gia đình cố nghệ sĩ Vũ Linh xảy ra mâu thuẫn chuyện thừa kế tài sản, các YouTuber, TikToker lại được dịp làm thêm hàng nghìn clip xoáy vào con cháu, anh em của ông hoàng cải lương để kiếm tiền mà đến nay chưa có hồi kết.
Thậm chí, nhóm YouTuber còn quay lại nhà riêng của nghệ sĩ Vũ Linh trên đường Đoàn Thị Điểm. Họ cắm chốt cả ngày lẫn đêm để quay clip. Con cháu của cố nghệ sĩ mỗi khi xuất hiện bên ngoài cánh cửa đều được nhóm này săn đón, ghi hình.
“Không biết nhóm này kiếm được bao nhiêu tiền từ cái chết của Vũ Linh chứ tôi thấy phản cảm quá. Họ chết rồi vẫn không tha, bám theo quay phim suốt. Đến nỗi con cháu của nghệ sĩ cũng bị nhóm này đem ra câu like, kiếm tiền. Cả khu phố trở nên náo loạn vì nhóm này”, bà Hương (45 tuổi) bán nước gần nhà nghệ sĩ Vũ Linh bức xúc.
Đây là hai trong số nhiều đám tang của nghệ sĩ bị YouTuber, TikToker bủa vây ghi hình. Thậm chí người thân của các nghệ sĩ mất, nhóm này cũng tụ tập ghi hình bất chấp trước nỗi đau gia đình.
Biến người sống thành chết để câu view
Mới đây, ông Nguyễn Minh Phúc (40 tuổi) tự xưng là đại đức Thích Tâm Phúc, trụ trì chùa Hoàng Pháp Trung Ương ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) gây xôn xao cộng đồng mạng khi mặc áo nhà sư đi vào quán bar ở quận Gò Vấp.
Hình ảnh này được một số TikToker quay lại và đăng lên mạng xã hội gây phản cảm, nhiều người bức xúc. Lãnh đạo UBND TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra vụ việc.
Lợi dụng ông này đang được dư luận quan tâm, một số YouTuber liền cắt ghép clip, đăng thông tin ông Nguyễn Minh Phúc vừa bị đánh chết ở huyện Củ Chi vì ăn thịt chó.
Một số clip có nội dung ông Nguyễn Minh Phúc bị đánh chết khi cầm lát thịt chó trên tay; Gia đình đang tổ chức tang lễ và chuẩn bị đưa ông đi an táng… thu hút hơn 300.000 lượt view.
Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên, không có chuyện ông Phúc bị đánh chết khi đang ăn thịt chó. Thời điểm đó, người này đang ở Thái Lan và chưa về nước.
“Dù ông Phúc giả tu và có những lời lẽ chưa đúng về đạo phật, nhưng làm clip cắt ghép ông ta bị đánh chết vì ăn thịt chó để câu view cũng không đúng. Hành động của ông Phúc đúng hay sai có pháp luật xử lý, người tung tin như vậy sẽ mang nghiệp”, ông Trần Thanh Dũng (54 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) chia sẻ.
Hơn một năm trước, bà Nguyễn Phương Hằng (chủ khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương) nổi lên như một hiện tượng mạng xã hội, được hàng trăm YouTuber, TikToker cả nước săn đón ghi hình.
Những lời nói của bà Hằng được YouTuber xem “quý như vàng” vì đăng lên mạng xã hội lúc nào cũng có view. Mỗi buổi trò chuyện của bà Hằng tại khu du lịch Đại Nam thu hút cả trăm YouTuber từ các nơi đến ghi hình.
Đặc biệt, trong chuyến đi đến Tịnh thất Bồng Lai ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa (Long An), bà Hằng được các YouTuber bao vây la hét như gặp thần tượng, gây náo loạn một vùng quê.
Đến khi bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TPHCM bắt giữ cùng 4 đồng phạm, truy tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đội ngũ YouTuber cũng có mặt rất đông, ghi hình cảnh khám xét nhà bà ở quận 3 để kiếm tiền.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một số YouTuber chia sẻ dù biết ghi hình đám tang rất phản cảm nhưng họ vẫn làm vì nhiều người tò mò muốn xem. Lượt xem càng cao thì có nhiều tiền. Những chủ đề gây tranh cãi, họ có thể đăng thông tin, đặt tựa đề giật gân đánh lừa người xem để câu view.
Có bị chửi bao nhiêu họ cũng không bận tâm.
Kỳ 2: Góc khuất các YouTuber thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng