Các tỉnh miền núi phía Bắc hiện vẫn đang oằn mình trong lũ dữ, thiệt hại về người và của là không kể xiết. Chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn người dân nhằm giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Cả nước cũng đang hướng về các tỉnh này thông qua các hoạt động từ thiện, cứu trợ. Thế nhưng, trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội lại liên tục xuất hiện các tin giả “ăn theo mưa lũ” để câu view, câu like.
Ngày 10/9, tại thị xã Kinh Môn (Hải Dương), nhiều người dân đã đổ xô ra cây xăng xếp hàng mua nhiên liệu, chen lấn trong chợ để mua, tích trữ thực phẩm, khiến cho thực phẩm ở đây bị đẩy giá. Nguyên nhân là một tài khoản trên Facebook đã đăng tải thông tin “vỡ đê sông Kinh Thầy” gây hoang mang dư luận. Đối tượng này sau đó đã được công an thị xã Kinh Môn lập hồ sơ xử lý.
Chưa hết, với tình hình mực nước nhiều ngày qua sau bão tại các dòng sông lớn như Kinh Thầy, Thái Bình, Sặc… ở Hải Dương tăng cao chưa từng thấy, nhiều tài khoản Facebook đăng tải bài viết, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật về việc vỡ đê trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Chí Linh, thị xã Kinh Môn… khiến người dân lo sợ, hoang mang.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo công an các địa phương, phòng nghiệp vụ rà soát, phát hiện người tung tin sai, gây hoang mang dư luận, xử lý nghiêm.
Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội còn lan truyền hình ảnh người chồng cố gắng đẩy vợ con trong chậu, di chuyển trong khu vực ngập nước được cho là tại xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).
Bức ảnh trên còn được chia sẻ kèm theo dòng tiêu đề: “Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang… Bão số 3, mưa lũ và những đau thương mất mát không bao giờ nguôi ngoai”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND xã Ngọc Linh đã phải lên tiếng cho biết đây là nội dung trong một video của YouTuber. Cụ thể, đây là hình ảnh của vợ chồng anh Phạm Xuân Dư (trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh). Vợ chồng anh Dư là YouTuber tại địa phương. Hình ảnh này là một trong những nội dung anh Dư thực hiện vào thời điểm mưa lũ để đăng lên mạng.
Trước đó, trên Facebook lan truyền thông tin tại bãi biển của TP Cẩm Phả xuất hiện hàng chục thi thể trôi dạt vào bờ. Thông tin này đã gây hoang mang dư luận. Lãnh đạo TP Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngay sau đó, đã cho biết thông tin vớt được hàng chục xác người trên biển ở Cẩm Phả là sai sự thật.
Đồng thời, ngày 11/9, Công an TP Cẩm Phả thông tin, qua công tác kiểm soát không gian mạng, vào hồi 10h00 sáng ngày 10/9, Công an TP Cẩm Phả đã phát hiện tài khoản Facebook “Song An hải sản” của bà Đ.T.H (trú tại thôn 3, Liên Hòa, TX. Quảng Yên) đăng tải nội dung nói về việc Cẩm Phả vớt 16 xác người… Bài đăng có 114 lượt like, 124 lượt chia sẻ.
Điều tra xác minh thực tế của Công an TP Cẩm Phả cho thấy, việc đưa nội dung thông tin trên Facebook “Song An hải sản” của bà Đ.T.H về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 trên địa bàn TP Cẩm Phả là sai sự thật.
Tại cơ quan Công an, bà Đ.T.H thừa nhận bản thân đã không kiểm chứng chính xác nguồn thông tin mà đã đăng tải công khai các nội dung không đúng sự thật về tình hình thiệt hại do bão số 3, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Trước đó, ngày 9/9, trên mạng xã hội Facebook cũng chia sẻ bài viết kèm hình ảnh cho rằng một ô tô trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) được tìm thấy cách hiện trường 10km và cả 4 người trong xe đều được cứu an toàn.
Ngay sau đó, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông cho biết nội dung trên là không chính xác.
Đồng thời, theo tìm hiểu của PV, sự việc xảy ra trước đó một ngày (8/9) cũng tại một huyện ở Phú Thọ, chiếc xe con này chở người đi ăn cưới bị nước cuốn trôi và mọi người trên xe được cứu kịp thời.
Chưa hết, mới đây trên các hội nhóm mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin giả: Người dân ở vùng bão lũ mất điện không có Wi-Fi có thể nhập theo cú pháp gửi 191 áp dụng cho thuê bao mạng Viettel.
Cụ thể, đối tượng xấu hướng dẫn người dân có thể nhập tất cả các cú pháp sau để có mạng, như 3ST4G gửi 191, 4G gửi 191, 5GBKM gửi 191, 5GKM gửi 191, ZP15 gửi 191, ST15 gửi 191, ST15N_4G gửi 191; tất cả đều miễn phí của Viettel.
Đối tượng xấu còn lưu ý người dân những cú pháp này chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, bị mất điện, mất kết nối Internet, những khu vực khác có nhập cú pháp này cũng không sử dụng được.
Chia sẻ với PV VietNamNet chiều 10/9, đại diện Viettel Telecom khẳng định các cú pháp trên đều là tin giả. Người dân không nên làm theo các cú pháp tin nhắn này, đồng thời không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Mới đây, một giáo viên ở điểm trường Mã Pì Lèng, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã rất bức xúc khi vô tình đọc được thông tin cháu bé ở Mèo Vạc đang khóc nức nở vì mẹ bị lũ cuốn trôi đăng tải trên mạng xã hội.
Theo giáo viên này, hình ảnh em bé khóc đã được ghi lại từ 1 năm trước và gia đình bé vẫn đầy đủ cả bố mẹ. Thông tin giáo viên này phản hồi đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc kiểm chứng và xác nhận là hoàn toàn chính xác.
Nữ giáo viên cũng nhắn nhủ các cá nhân đừng tranh thủ chiêu trò đưa tin sai sự thật trong bối cảnh cả nước đang oằn mình vì bão lũ.
Với việc tin giả liên tục xuất hiện như trên, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có các giải pháp và chế tài xử lý nghiêm tình trạng này.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/loi-dung-mua-lu-tin-gia-lai-tran-ngap-tren-mang-xa-hoi-2321289.html