Nếu cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp năm 2010 làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới, thì cuộc khủng hoảng nợ Italy ngày nay sẽ gây chấn động đến mức nào?
Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) vừa đăng bài phân tích của nhà kinh tế Desmond Lachman, cựu Phó Giám đốc Ban đánh giá và phát triển chính sách của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và là chiến lược gia trưởng về kinh tế thị trường mới nổi tại Salomon Smith Barney, về nguy cơ Italy phải đối mặt với khủng hoảng nợ công. Trong bài viết, tác giả nhận định Italy rất ít triển vọng để có thể giảm được quy mô núi nợ công hiện có.
Theo tác giả, các thị trường chưa nhanh nhạy trong việc dự đoán các cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu. Vào cuối năm 2009, trước khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát tại Hy Lạp, trái phiếu chính phủ nước này được giao dịch với lãi suất chỉ cao hơn trái phiếu chính phủ Đức một chút.
Một năm sau đó, cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới và Hy Lạp cuối cùng đã vỡ nợ. Đó là vụ vỡ nợ chính phủ lớn nhất từ trước đến nay.
Một đợt khủng hoảng nợ công khác của Italy là điều mà nền kinh tế thế giới hoàn toàn không mong muốn tại thời điểm tăng trưởng các nền kinh tế đồng loạt chậm lại. (Nguồn: Getty) |
Khủng hoảng nợ công trực chờ
Giờ đây, một đợt khủng hoảng nợ công khác của Italy là điều mà nền kinh tế thế giới hoàn toàn không mong muốn tại thời điểm tăng trưởng các nền kinh tế đồng loạt chậm lại. Nền kinh tế Italy có quy mô lớn gấp 10 lần nền kinh tế Hy Lạp và có thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 3.000 tỷ USD.
Nếu cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp năm 2010 làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới, thì cuộc khủng hoảng nợ Italy ngày nay sẽ gây chấn động đến mức nào?
Lý do chính để thế giới chuẩn bị đối đầu một cuộc khủng hoảng nợ khác tại Italy là tất cả các yếu tố có thể cho phép Rome giảm bớt gánh nặng nợ nần hiện đều bất lợi. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy là trên 145%, cao hơn khoảng 15% so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng nợ Italy vào năm 2012.
Xét về mặt số học thuần túy, ba yếu tố có thể cải thiện gánh nặng nợ công của một quốc gia là thặng dư ngân sách cơ bản lành mạnh (cân bằng ngân sách sau khi trừ các khoản trả lãi), lãi suất mà chính phủ có thể đi vay thấp hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Thật không may, trong trường hợp hiện tại của Italy, cả ba yếu tố này đều đang đi theo chiều hướng ngược lại.
Thay vì tìm cách đạt được thặng dư ngân sách cơ bản, ngân sách đáng thất vọng của quốc gia nằm giữa châu Âu do chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni trình bày trong tuần này hàm ý mức thâm hụt ngân sách cơ bản đáng kể.
Đồng thời, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ và nhà đầu tư nghi ngờ về định hướng chính sách kinh tế của chính phủ hiện nay, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy đã tăng từ mức dưới 1% vào năm 2021 lên khoảng 4,75% ở hiện tại. Đây là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ Italy năm 2012, nhưng lại chỉ cao hơn khoảng 1,8% so với đối tác Đức.
Trong khi đó, thay vì khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nền kinh tế Italy dường như đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế. Đó là sự sụp đổ từ việc thắt chặt tiền tệ của ECB nhằm kiểm soát lạm phát. Một cuộc suy thoái, nếu diễn ra, khó có thể khiến người ta tin tưởng vào khả năng tăng trưởng kinh tế của Italy dưới núi nợ nần do kinh tế đình trệ nước này gây ra.
Italy sẽ rơi vào suy thoái kinh tế kỹ thuật?
Với lợi suất trái phiếu chính phủ hiện tại, triển vọng Italy có thể thoát khỏi gánh nặng nợ nần dường như đã giảm đi. Điều này đặc biệt đúng khi xét đến thành tích tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong quá khứ của nước này. Kể từ khi gia nhập Khu vực đồng Euro (Eurozone) năm 1999, mức thu nhập bình quân đầu người của Italy hầu như không thay đổi.
Cho đến gần đây, chính phủ Italy ít gặp khó khăn trong việc tự cấp kinh phí với những điều kiện tương đối thuận lợi mặc dù nợ công của nước này đang ở mức cao. Điều đó phần lớn là do thực tế rằng theo chương trình định lượng tích cực của mình, ECB đã đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu vay ròng của chính phủ Italy.
Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2023, ECB đã chấm dứt hoàn toàn các chương trình mua trái phiếu. Điều này khiến Rome phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tài chính để đáp ứng nhu cầu vay vốn. Dường như Italy sẽ sớm theo chân Đức rơi vào suy thoái kinh tế kỹ thuật do chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB.
Với tình hình tài chính công gặp khó khăn nghiêm trọng, điều đặc biệt quan trọng là chính phủ Italy phải tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư rằng họ có khả năng quản lý tình hình kinh tế rất khó khăn. Vì lý do này, thật đáng tiếc khi chính phủ hiện nay đã không thực hiện được những lời hứa kinh tế của mình.
Trong số những sai lầm đáng thất vọng hơn của họ là khoản thuế bất ngờ đánh vào lợi nhuận ngân hàng và việc đưa ra dự kiến thâm hụt ngân sách 5,3%, khiến nước này rơi vào tình trạng xung đột với Ủy ban châu Âu (EC). Điều này hầu như không tạo được niềm tin của thị trường vào khả năng của chính phủ Italy trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hoặc giải quyết một cuộc khủng hoảng nợ tiềm ẩn.
Trong những ngày gần đây, thị trường hướng sự chú ý vào tình hình tài chính công đang lung lay của Italy, đẩy mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Italy-Đức lên mức cao nhất kể từ đầu năm.
Chính phủ Italy nên lưu ý đến những biến động của thị trường trong những giai đoạn khó khăn và sớm thay đổi đường hướng kinh tế nếu muốn tránh một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện vào năm tới.
Tất cả những điều trên không có nghĩa là một cuộc khủng hoảng nợ công toàn diện của Italy sắp xảy ra. Tuy nhiên, ECB cần phải cẩn thận để tránh chính sách tiền tệ quá mức cần thiết trong nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Italy và châu Âu không mong muốn rơi vào “miệng hố” suy thoái kinh tế và lãi suất cao hơn sẽ chỉ làm xấu đi tình hình tài chính công của nước này.