Bài viết của tác giả Federico Fubini, đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy), đề cập tình trạng trì trệ của nền kinh tế Italy trong 30 năm qua, đồng thời đánh giá triển vọng trong thời gian tới.
Trong suốt 190 phút của cuộc họp báo đầu năm 2024, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã không hề nhắc đến bất kỳ một con số nào. Với tư cách là người điều hành một nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ Euro (2.186 tỷ USD) và xuất khẩu 600 tỷ Euro, sự im lặng của Thủ tướng Meloni là một dấu hỏi cần lời giải thích.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại cuộc họp báo đầu năm 2024, ngày 4/1 tại Rome. (Nguồn: AP) |
Mờ nhạt
Trước hết, nên bắt đầu với những con số mà Thủ tướng Meloni đã không thể trích dẫn. Thực ra, bà đã không đề cập sự trượt dốc rõ ràng hiện nay của nền kinh tế Italy, từ vị thế một quốc gia tiên tiến xuống hạng một quốc gia có thu nhập trung bình và ngày càng trở nên mờ nhạt hơn trên bức tranh kinh tế toàn cầu. Đây là thực tế đang xảy ra, bất chấp hàng nghìn doanh nghiệp năng động và hàng triệu chuyên gia tài năng đang hoạt động ở Italy.
Bà Meloni không thể nói rằng, tỷ trọng của kinh tế Italy trong Liên minh châu Âu (EU) hiện tại đã giảm 26% trong giai đọan 1995-2023 (từ 17,2% xuống 12,7%). Cũng trong giai đoạn này, tỷ trọng của kinh tế Italy trong nền kinh tế Eurozone giảm từ mức khoảng 20% cách đây 30 năm trước xuống còn 15% hiện nay.
Một số nhà kinh tế có thể sẽ biện luận rằng, sự suy giảm về tỷ trọng như vậy là do sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới ở Trung và Đông Âu tạo ra. Song lập luận đó không thuyết phục, nếu đưa ra so sánh giữa Italy với Pháp: tỷ trọng của kinh tế Pháp trong Eurozone đến nay hầu như không thay đổi so với năm 1995, trong khi tỷ trọng của kinh tế Italy đã suy giảm và thực sự đánh mất vị thế một cách rõ rệt (theo cơ sở dữ liệu của Ủy ban châu Âu).
Hơn nữa, Thủ tướng Meloni cũng không thể nói, việc đưa so sánh trong phạm vi châu Âu là quá khắt khe đối với Italy. Chẳng hạn, nếu đem so sánh toàn bộ EU gồm 27 nước thành viên với Mỹ, thì khối này cũng đang mất dần vị thế. Tính theo giá trị bằng đồng USD, vào năm 1996, hai nền kinh tế EU và Mỹ có quy mô tương đương với GDP khoảng 8 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của các quốc gia mới nổi ở Trung và Đông Âu, quy mô nền kinh tế Mỹ vào năm 2022 lớn hơn 52% so với EU, với khoảng cách gần 10.000 tỷ USD và có thể đã được nới rộng thêm trong năm 2023.
Khi bắt đầu tiến trình toàn cầu hóa vào năm 1980, GDP bình quân đầu người ở Mỹ tương đương mức trung bình của 27 quốc gia thuộc EU (mặc dù khi đó thu nhập tại các nước thành viên thuộc khối Đông Âu vẫn còn thấp).
Đến năm 2022, thu nhập bình quân theo đầu người ở Mỹ đạt 76.300 USD, thì thu nhập bình quân tại EU chỉ đạt 37.400 USD, chưa đến một nửa của Mỹ, bất chấp sự phục hồi rất mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ở Đông Âu như Estonia, Slovenia. Sự khác biệt này đặc biệt gia tăng từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, thời điểm gián đoạn lớn đầu tiên trong 30 năm toàn cầu hóa (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới – WB).
Về bản chất, Italy đang mất dần vị thế trong một khu vực kinh tế mà bản thân khu vực này cũng đang nhanh chóng bị thu hẹp so với trình độ sản xuất và công nghệ của thế giới. Italy đang tụt hậu so với một nhóm các quốc gia vốn đã chậm lại. Hậu quả là tốc độ tăng trưởng của khu vực bị giảm rất lớn so với sự vận động chung của toàn cầu.
Năm 1992, thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ chỉ cao hơn Italy 9% tính theo giá đồng USD hiện hành. Đến năm 2022, thành tích này tại Mỹ cao hơn gấp đôi so với tại Italy (76.000 USD so với 34.000 USD). Có thể việc đưa ra sự khác biệt đó theo giá trị đồng USD hiện hành bị cho là không chính xác mà phải tính đến sự biến động tỷ giá hối đoái và sức mua, song nếu mức trượt giá này được xét đến một cách đầy đủ, thì vẫn không có nhiều khác biệt được tạo ra.
Và tương lai mơ hồ
Cũng trong cuộc họp báo đầu năm 2024, bà Meloni còn có những con số khác chắc hẳn không muốn nói đến. Ví dụ, những con số cho thấy mức độ đóng cửa của nền kinh tế Italy đối với thế giới. So với quy mô hiện tại của nền kinh tế, từ năm 2005 đến năm 2022, Italy lẽ ra phải tiếp nhận tổng cộng 120 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi xét tỷ trọng kinh tế tương đương với Pháp; đồng thời, sẽ có thêm 600 tỷ Euro nếu Italy có đầu tư nước ngoài bằng mức trung bình của EU từ năm 2005 (luôn xét tỷ lệ với tổng sản phẩm).
Đối với FDI, Italy chỉ đạt được giá trị tích lũy là 27% GDP kể từ năm 2005, thấp hơn nhiều so với Pháp là 40%, Đức 48%, Tây Ban Nha gần 60%.
Mức độ liên kết về sản xuất của Italy với phần còn lại của thế giới đang kém phát triển hơn các nền kinh tế tiên tiến. Nước này nhập khẩu ít hơn về vốn sản xuất, kiến thức, kỹ năng, quy trình công nghệ và cũng ít đổi mới hơn. Italy ít có hiện diện hơn trong các chuỗi sản xuất phức tạp, các tổ chức bên ngoài biên giới.
Tất cả điều này đã hạn chế khả năng của Italy. Bất chấp nhiều trường hợp riêng lẻ theo hướng ngược lại thì với tư cách là một quốc gia, Italy rõ ràng đang thu mình (theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế – OECD).
Italy đang mất dần vị thế trong một khu vực kinh tế mà bản thân khu vực này cũng đang nhanh chóng bị thu hẹp so với trình độ sản xuất và công nghệ của thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Mặt khác, phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Confindustria cũng cho thấy, xu hướng về FDI trong năm 2023, trong đó ghi nhận hiệu quả tích cực hơn ở Mỹ, song đã chậm lại tại Italy và châu Âu so với năm 2022.
Sẽ là hơi quá nếu mong đợi Thủ tướng Meloni nêu ra những vấn đề này trong cuộc họp báo vừa qua. Cuộc họp báo của một lãnh đạo chính phủ không phải là một bản tin thời sự hay một buổi hội thảo. Tuy nhiên, có lẽ người ta mong đợi một thái độ rõ ràng hơn trước vấn đề quan trọng này của đất nước từ một nữ thủ tướng trẻ, hoạt ngôn, quan tâm đến những gì đang xảy ra trên thế giới và điều hành một chính phủ có khả năng tồn tại lâu dài.
(theo Corriere della Sera)