Dù không thể thay thế con người, nhưng sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo khiến cho lực lượng lao động phải có những thay đổi để theo kịp xu thế.
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang nổi lên như một công cụ thúc đẩy năng suất hiệu quả của nhân loại. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xác định việc nâng cao năng suất là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế tiềm năng, với mối tương quan chặt chẽ giữa việc sử dụng AI tại nơi làm việc và năng suất cao hơn.
Thay đổi sâu sắc với toàn bộ các nhóm lao động
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 29.4 bởi Trung tâm nghiên cứu quản trị tiến bộ (CIGI, Canada), sự dịch chuyển công nhân đã bắt đầu ngay trước những sự phát triển mới nhất về AI. Ví dụ, máy tính cá nhân và sau đó là máy tính bảng khiến vị trí lễ tân gần như lỗi thời ở nhiều nơi vì khách hàng có thể tự tương tác.
Theo tổ chức nghiên cứu Oxford Economics, robot có thể thay thế thêm 20 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng công bố một báo cáo ước tính AI có thể tác động đến 300 triệu việc làm trên toàn cầu do tự động hóa. Cũng theo báo cáo này, riêng khu vực Mỹ và châu Âu thì có đến 2/3 số lượng công việc có thể áp dụng AI và 1/4 số lượng công việc có thể được thay thế bằng AI.
Theo CIGI, AI còn tạo ra một hiệu ứng tác động phức tạp đối với lực lượng lao động toàn cầu. Ví dụ, ô tô không người lái sẽ không chỉ loại bỏ nhu cầu về người lái xe mà còn được dự báo giúp giảm tai nạn, điều này dẫn đến việc có thể giảm bớt số lượng cảnh sát, nhân viên y tế và nhân lực về sửa chữa ô tô.
Sự ra đời của AI sáng tạo đã thay đổi cục diện nơi làm việc. Trong khi quá trình tự động hóa trước đây tập trung chủ yếu vào những người lao động chân tay, thì AI sáng tạo đang tác động đến các công việc văn phòng ở cả những lĩnh vực trước đây không có khả năng tiếp cận với tự động hóa, chẳng hạn như kiểm toán và tiếp thị.
Có những hậu quả không lường trước được liên quan việc AI ngày càng thâm nhập sâu vào lực lượng lao động. Ví dụ: có khoảng cách ngày càng tăng về mức lương giữa những người lao động được trả lương cao nhất, có tay nghề cao, “siêu hỗ trợ AI” và những người lao động được trả lương thấp nhất, điều này đang khiến nơi làm việc ngày càng phân cực hơn.
Không phải tận thế
Trong khi đó, tạp chí The Economist có bài bình luận cho rằng đừng quá bi quan về nguy cơ từ AI đối với nguồn lực lao động. Bài viết dí dỏm rằng việc thay đổi “8 tỉ người” thành robot là không tưởng, nên sẽ không có chuyện “ngày tận thế” đối với việc làm của con người. Theo đó, thực tế thì ngay tại Mỹ, số lượng công việc về sản xuất đang thiếu hơn 500.000 nhân lực và con số này lên đến 800.000 trong lĩnh vực F&B (dịch vụ nhà hàng khách sạn).
Bài báo trên dẫn lại quá khứ, công nhân một số nơi từng đập phá nhà máy khi xuất hiện các hệ thống máy móc tự động hóa. Nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng khi nhiều máy móc như robot trong các nhà máy ô tô thì nhân lực sẽ chuyển qua một giai đoạn khác. Theo Cơ quan liên hiệp quốc tế về tự động hóa (IFR), ngay cả các công ty Hàn Quốc, cho đến nay là những quốc gia áp dụng robot nhiều nhất thế giới, cũng tuyển dụng 10 công nhân sản xuất cho mỗi robot công nghiệp. Ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản, con số này là 25 – 40 công nhân/robot. Theo các nhà tư vấn tại Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), năm 2020, thế giới chi ra khoảng 25 tỉ USD cho robot công nghiệp nhưng con số này chiếm chưa đến 1% chi tiêu vốn toàn cầu. Tất nhiên, để không làm những việc mà robot đã thay thế, nhân công phải nâng tầm năng lực để có khả năng vận hành robot.
Liên quan vấn đề này, báo cáo của Goldman Sachs nhấn mạnh rằng: “Sự dịch chuyển của người lao động khỏi tự động hóa trong lịch sử đã được bù đắp bằng việc tạo ra việc làm mới và sự xuất hiện của các ngành nghề mới sau những đổi mới công nghệ chiếm phần lớn trong tăng trưởng việc làm trong dài hạn. Sự kết hợp giữa tiết kiệm chi phí lao động đáng kể, tạo việc làm mới và năng suất cao hơn cho người lao động không bị mất việc làm tăng khả năng bùng nổ năng suất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể”. Từ đó, Goldman Sachs nhận định AI có thể lấy đi nhiều công việc nhưng sẽ tạo ra nhiều công việc mới.
Nhưng có sự thay đổi cơ cấu, đòi hỏi nâng tầm
Trong báo cáo mới nhất đánh giá về xu thế cấu trúc lao động toàn cầu, WEF có dẫn lại khảo sát về tương lai việc làm được lấy ý kiến từ đại diện của 803 công ty vốn sử dụng tổng cộng hơn 11,3 triệu công nhân, phân bổ trên 27 cụm ngành và 45 nền kinh tế khắp thế giới.
Kết quả dự báo 42% nhiệm vụ kinh doanh sẽ được tự động hóa vào năm 2027. AI, động lực chính cho sự dịch chuyển lao động tiềm năng, dự kiến sẽ được gần 75% công ty tham gia khảo sát tiến hành áp dụng.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng công nghệ nông nghiệp, nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số, thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số cũng như AI đều được dự đoán sẽ dẫn đến sự gián đoạn đáng kể trên thị trường lao động. Nhưng các doanh nghiệp cũng dự báo sự dịch chuyển việc làm được bù đắp bằng sự tăng trưởng việc làm ở nơi khác sẽ mang lại kết quả tích cực ròng. Tham gia khảo sát, gần 50% tổ chức kỳ vọng AI sẽ tạo ra tăng trưởng việc làm trong khi chưa đến 25% dự báo sẽ làm giảm số việc làm. Ví dụ, chính sự phát triển của AI thúc đẩy thương mại điện tử có thể tạo ra hàng triệu việc làm về các chuyên gia tư vấn phát triển thương mại điện tự.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi đó, báo cáo của WEF cho rằng cần đào tạo lại cho nhân lực. Cụ thể, các nhà tuyển dụng ước tính rằng 44% kỹ năng của người lao động sẽ bị thay đổi từ năm 2023 – 2028. Khoảng 60% lực lượng công nhân hiện nay cần được đào tạo lại trước năm 2027, nhưng vấn đề là có thể chỉ 50% trong số này thực sự được đào tạo lại đầy đủ. Có đến 42% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát của WEF cũng đánh giá việc đào tạo nhân viên sử dụng AI và dữ liệu lớn là ưu tiên thứ 3 trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Không chỉ thách thức từ AI
Theo nghiên cứu của CIGI, bên cạnh AI thì còn nhiều xu thế khác đang trở thành thách thức cho thị trường lao động. Đó là việc nhiều nhiệm vụ vốn của người lao động bên bán hàng nhưng chuyển sang người tiêu dùng. Chẳng hạn như đặt vé máy bay và sử dụng máy quét tự thanh toán tại các cửa hàng truyền thống. Một cách tiếp cận thậm chí còn tiên tiến hơn là bán các sản phẩm yêu cầu khách hàng lắp ráp. Nổi bật chính là “hiệu ứng IKEA” của việc người mua hàng tự lắp ráp, dẫn đến nhu cầu về ít nhân viên hơn trong lĩnh vực sản xuất và ít nhân công hơn trong chuỗi cung ứng hạ nguồn như bán lẻ và các công việc dịch vụ.
Một xu hướng khác gián tiếp liên quan đến tình trạng mất việc làm là sự mở rộng nhanh chóng của “nền kinh tế chia sẻ”. Điều này làm giảm nhu cầu mọi người có “thứ riêng” của mình, có thể là máy cắt cỏ, ô tô mà có thể sử dụng dưới hình thức “chia sẻ”, dẫn đến nhu cầu sản xuất giảm đi.
Vai trò của lao động trong tiêu dùng
GS Manoj Pant (GS thỉnh giảng tại Đại học Shiv Nadar, Ấn Độ) và TS Sugandha Huria (Viện Ngoại thương Ấn Độ) đã có bài phân tích về vai trò của nguồn lực lao động đối với nền kinh tế.
Theo đó, mặc dù những tiến bộ về AI có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại, nhưng tác động của AI đối với người lao động có thể không đáng sợ như lo ngại ban đầu. Ở góc độ toàn bộ nền kinh tế (các nhà kinh tế gọi đây là “cân bằng chung”), tất cả các nguồn vốn và lao động kết hợp để sản xuất ra tất cả hàng hóa và dịch vụ. Công nghệ sau đó sẽ tăng năng suất, loại bỏ các giới hạn do hạn chế về nguồn lực đặt ra.
Tuy nhiên, tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập của mỗi cá nhân và chỉ có “lao động” mới tiêu dùng. Điều đó dẫn đến điểm mấu chốt là: Năng suất tăng cuối cùng sẽ vô nghĩa nếu không có thị trường cho hàng hóa và dịch vụ được sản xuất. Nói cách khác nếu con người không làm việc để có thu nhập thì không thể tiêu dùng, nền kinh tế có áp dụng công nghệ hiện đại thế nào mà sản xuất ra không có người mua thì cũng chẳng để làm gì.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/nguon-nhan-luc-giua-lan-song-tri-tue-nhan-tao-18524043022445148.htm