Tăng cường hợp tác hạ tầng giao thông Việt Nam

Báo Giao thôngBáo Giao thông08/02/2025

Chiều nay (8/2), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã tiếp và làm việc với ông Mohamed Hassan Alsuwaidi, Bộ trưởng Bộ Đầu tư Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về tiềm năng hợp tác hạ tầng giao thông.


Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã dành thời gian tiếp đoàn, Bộ trưởng Mohamed Hassan Alsuwaidi đánh giá hai bên đã có những hợp tác tích cực trong lĩnh vực hàng không, hàng hải. Tuy nhiên, Bộ trưởng mong rằng tới đây sẽ có các hợp tác sâu rộng hơn lĩnh vực sân bay, cảng biển, nhất là cảng biển nước sâu.

Doanh nghiệp UAE có thể đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng công trong lĩnh vực GTVT tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng của UAE cũng quan tâm đến hợp tác tại các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Tăng cường hợp tác hạ tầng giao thông Việt Nam - UAE- Ảnh 1.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang và ông Mohamed Hassan Alsuwaidi, Bộ trưởng Đầu tư UAE thống nhất thúc đẩy hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT.

Vì vậy, phía UAE mong muốn Bộ GTVT cung cấp thông tin về các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt khổ tiêu chuẩn, metro, các trạm xe buýt, các điểm thu phí trên đường cao tốc. UAE cũng quan tâm đến các dự án xây dựng sân bay, cảng biển và các hình thức hợp tác đầu tư, từ hình thức đầu tư - xây dựng - chuyển giao đến hình thức đối tác công tư (PPP).

"Hy vọng rằng cuộc làm việc hôm nay sẽ mở ra cánh cửa cho cơ hội hợp tác giữa hai bên. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư các dự án giao thông", Bộ trưởng Mohamed Hassan Alsuwaidi nói.

Chào đón đoàn công tác Bộ Đầu tư UAE đến thăm và làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá hợp tác giữa hai nước Việt Nam và UAE là quan hệ mẫu mực, trong đó hợp tác lĩnh vực GTVT đã đạt được những kết quả tích cực.

Về đề nghị của Bộ trưởng Mohamed Hassan Alsuwaidi, Thứ trưởng Sang cho biết, hiện 5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm: đường bộ, hàng hải, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa.

Theo đó, kết cấu hạ tầng của 5 lĩnh vực này sẽ được đầu tư trong hai giai đoạn: Từ nay đến năm 2030 và từ 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Riêng về lĩnh vực cảng biển, hiện đang triển khai quy hoạch đến thời kỳ 2030. Tính đến thời kỳ 2030, hệ thống cảng biển có chiều dài khoảng 190-215km; với công suất sẽ đạt khoảng 1,2-1,5 tỷ tấn/năm. Về các cảng cửa ngõ, cảng nước sâu, hiện đang kêu gọi đầu tư vào các khu bến, các cảng lớn: Phía Bắc có khu bến cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), với khả năng tiếp nhận tàu container từ 8.000 TEU hoặc lớn hơn; Tại miền Trung có khu bến Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa), khu bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), khu bến Vân Phong (Khánh Hòa); Khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu có khu bến cảng Cái Mép, khu bến cảng Cần Giờ; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Các dự án này có mức đầu tư từ 2-5 tỷ USD, thời gian đầu tư 50-70 năm. Các hạ tầng công cộng như luồng, đê chắn sóng, đường bộ kết nối, đường sắt kết nối, đường thủy kết nối là do Nhà nước đầu tư, còn lại kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bến. Theo quy định hiện hành của Việt Nam, nếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thì phần vốn không quá 49%.

Tăng cường hợp tác hạ tầng giao thông Việt Nam - UAE- Ảnh 2.
Tăng cường hợp tác hạ tầng giao thông Việt Nam - UAE- Ảnh 3.

Hai bên thống nhất tích cực trao đổi thông tin các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam để có thể hiện thực hóa các cơ hội hợp tác.

Về lĩnh vực đường sắt, mục tiêu đến năm 2030 vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 15,3 triệu tấn; vận chuyển hành khách đạt khoảng 474 triệu lượt. Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Phía Bắc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối ra cảng Lạch Huyện đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến khởi công năm 2025. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn đang được nghiên cứu quy hoạch chi tiết phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu và xây dựng tuyến mới khổ 1.435mm. Tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng đang trong quá trình nghiên cứu quy hoạch. Các tuyến này đều kết nối qua Trung Quốc trên mạng xuyên Á đi châu Âu.

Cùng đó, có các dự án đường sắt đang cần đầu tư sớm là tuyến Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, tuyến đi sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Cần Thơ và các tuyến đường sắt nội đô ở Hà Nội, TP.HCM.

"Hình thức đầu tư các dự án hạ tầng đa dạng. Nhiều dự án sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước, Việt Nam cần các nhà thầu xây dựng có kinh nghiệm, năng lực tham gia. Nhiều dự án đầu tư PPP, đầu tư BOT.

Giai đoạn từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 là giai đoạn Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách đột phá về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng đường sắt, đường bộ, hàng hải và hàng không. Đây là cơ hội hợp tác lớn giữa hai Chính phủ, giữa các Bộ, trong đó có Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Đầu tư UAE, cũng như cơ hội để các nhà đầu tư UAE đầu tư vào hạ tầng giao thông Việt Nam.

Bộ GTVT sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết quy hoạch, các dự án đến Bộ Đầu tư và các doanh nghiệp UAE thông qua Đại sứ quán UAE tại Việt Nam. Thông qua đó, các doanh nghiệp UAE và các doanh nghiệp Việt Nam có thể bàn thảo kĩ hơn về khả năng hợp tác các dự án", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.



Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tang-cuong-hop-tac-ha-tang-giao-thong-viet-nam-uae-192250208193736298.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available