Sao Kim, sao Mộc, sao Hỏa, sao Thổ… sẽ có những "màn trình diễn" thú vị trên bầu trời mà người yêu thiên văn có thể quan sát 2025. Dưới đây là dự báo của Hội Thiên văn Hà Nội (HAS).
1. Sao Kim đạt ly giác cực đại về phía đông (ngày 10.1)
Sao Kim nằm xa mặt trời nhất trong lần xuất hiện trên bầu trời buổi tối này vào lúc 15 giờ 31 phút ngày 10.1.2025. Hành tinh này tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 4,4 và có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường ở hướng tây ngay sau khi mặt trời lặn.
Bầu trời đêm 2025 với màn trình diễn thú vị của các hành tinh
ẢNH: HUY HYUNH
Thông thường, khi quan sát từ trái đất, sao Kim luôn xuất hiện gần mặt trời trên bầu trời và bị "nhấn chìm" trong ánh sáng chói chang từ ngôi sao này trong phần lớn thời gian. Vào thời điểm ly giác cực đại, sao kim xuất hiện sáng và nổi bật đến mức khiến nó trở thành vật thể sáng thứ hai trên bầu trời đêm chỉ sau mặt trăng. Những lần xuất hiện này lặp lại khoảng 1,6 năm một lần.
2. Sao Hỏa đạt vị trí trực đối (ngày 16.1)
Sao Hỏa đạt đến vị trí trực đối, vị trí đối diện với mặt trời trên bầu trời khi quan sát từ trái đất vào lúc 9 giờ 32 phút sáng ngày 16.1. Sao Hỏa xuất hiện ở cao khoảng 7° phía trên đường chân trời hướng đông bắc ngay sau khi mặt trời lặn, lên cao nhất trên bầu trời vào lúc nửa đêm và vẫn còn ở cao khoảng 10° ở hướng tây bắc khi bình minh đến. Cùng thời điểm đạt vị trí trực đối, sao Hỏa cũng tiến đến gần với trái đất nhất khiến hành tinh này trở nên sáng và lớn nhất trong lần xuất hiện này.
Bạn mong chờ được quan sát hành tinh nào trong hệ mặt trời 2025?
ẢNH: HUY HYUNH
3. Sao Kim đạt ly giác cực đại về phía Tây (ngày 1.6)
Sau khi tạm rời khỏi màn trình diễn trên bầu trời buổi tối, sao Kim nhanh chóng trở lại tỏa sáng trên bầu trời sáng sớm ngay trước khi mặt trời mọc. Vào ngày 1.6, hành tinh này sẽ đạt đến vị trí ly giác cực đại tây. Sao Kim sẽ là một chấm sáng rực rỡ thu hút mọi ánh sáng. Nó sẽ mọc lên bầu trời vào lúc 2 giờ rưỡi sáng và cao khoảng 36° so với đường chân trời hướng đông khi mặt trời mọc.
4. Sao Kim và sao Mộc giao hội với nhau (ngày 12.8)
Hai hành tinh sáng nhất trên bầu trời đêm đã bắt đầu tiến đến gần nhau từ những ngày trước đó. Vào buổi sáng ngày 12.8, chúng sẽ xuất hiện chỉ cách nhau chưa đến 1° đánh dấu thời điểm tiếp cận gần nhất giữa cả hai trong năm 2025.
"Cặp đôi" này sẽ mọc lên từ chân trời hướng đông vào lúc 2 giờ 53 phút và ở cao khoảng 31° so với đường chân trời khi mặt trời mọc. Lần giao hội gần đây nhất giữa 2 hành tinh này xảy ra vào tháng 3.2023 và chúng ta đã phải đợi tới hơn 2 năm để tiếp tục quan sát được màn gặp gỡ thú vị này. Nếu bỏ lỡ màn giao hội này, bạn sẽ phải đợi đến tháng 6.2026 để một lần nữa lại nhìn ngắm màn hội ngộ giữa 2 chấm sáng nổi bật nhất trên bầu trời đêm này.
5. Sao Thổ đạt vị trí trực đối (ngày 21.9)
Sao Thổ sẽ đạt vị trí trực đối, vị trí đối diện với mặt trời trên bầu trời khi quan sát từ trái đất vào lúc 12 giờ 37 phút ngày 21.9. Từ Hà Nội, sao Thổ sẽ có thể được bắt đầu quan sát từ 18 giờ 43 phút khi hành tinh này đang nằm cao khoảng cao 11° so với đường chân trời phía đông.
Cùng thời điểm sao Thổ đạt vị trí trực đối, nó cũng sẽ tiến đến gần với Trái Đất nhất khiến hành tinh này trở nên sáng và lớn nhất trong năm. Trong khoảng vài giờ xung quanh thời điểm trực đối, nếu quan sát qua kính thiên văn đủ mạnh, bạn sẽ thấy vành đai sao Thổ sáng hơn đáng kể so với đĩa sáng của hành tinh này.
Thanhnien.vn
Bình luận (0)