Giới phân tích cho rằng nguồn cung dồi dào và công suất dự phòng của OPEC+ lớn đang xoa dịu tác động từ xung đột tại Trung Đông.
Hôm 19/4, giá dầu thô Brent và WTI tăng vọt sau thông tin Israel tấn công Iran, do lo ngại nguồn cung dầu tại Trung Đông có thể bị gián đoạn. Có thời điểm, cả hai loại dầu tăng gần 4%. Brent lên 90,75 USD, còn WTI lên gần 86 USD một thùng.
Tuy nhiên, thị trường sau đó lại đi xuống, chốt phiên ở mức tương đương giá mở cửa. Trên Reuters, Tamas Varga – nhà phân tích tại hãng môi giới PVM giải thích rằng đến hiện tại, xung đột tại Trung Đông chưa có tác động lớn đến cung dầu tại khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới này.
“Khi thiếu vắng các vấn đề về nguồn cung và sản xuất, thị trường sẽ khó lập đỉnh mới như cuối tuần trước”, ông nói. Tuần trước, giá dầu thô Brent tuần trước có thời điểm lên 92 USD một thùng – cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Một số loại dầu thậm chí còn có dấu hiệu giảm giá. Trên thị trường Bắc Mỹ, dầu Forties – loại dầu nhẹ ở Biển Bắc – hiện chỉ còn cao hơn Brent 0,35 USD. Con số này giảm so với mức chênh 2,3 USD hồi tháng 2, hãng dịch vụ tài chính LSEG cho biết.
Nguồn cung trên toàn cầu hiện dồi dào khi các nhà máy lọc dầu nhiều nơi đang ở thời kỳ bảo dưỡng trước mùa hè, sản lượng dầu tại Mỹ tăng và một số quốc gia không còn gián đoạn sản xuất. Tình hình hiện tại đảo ngược so với hồi tháng 2.
Sản lượng tại Libya đã hồi phục, do mỏ dầu lớn nhất hoạt động trở lại sau cuộc đình công hồi tháng 1. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Âu 4 tháng đầu năm cũng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu của Kpler cho biết.
Thậm chí, Nigeria – nước xuất khẩu dầu hàng đầu châu Phi – còn chưa tìm được khách mua cho số dầu sẽ rời cảng tháng tới. Một số hãng năng lượng nước này đã phải giảm giá. Nguồn tin của Reuters cho biết Nigeria hiện vẫn còn ít nhất 35 trong tổng số 49 lô dầu chưa bán được.
Bên cạnh đó, hãng phân tích năng lượng Rystad Energy cho rằng giá hợp lý của Brent chỉ vào khoảng 83 USD một thùng, nếu xét đến các yếu tố nền tảng. Vì thế, giá 87 USD hiện tại “đã phản ánh rủi ro địa chính trị rồi”, nhà phân tích Jorge Leon cho biết.
“Bất chấp vụ tấn công mới nhất, quan điểm của Rystad Energy vẫn là nếu căng thẳng tại Trung Đông không leo thang đáng kể, yếu tố rủi ro địa chính trị trong giá dầu sẽ ổn định và giảm dần”, ông nói.
Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) còn dư địa sản xuất dồi dào, cùng với việc nguồn cung chưa chịu ảnh hưởng, “cũng giúp kiềm chế giá dầu”, HSBC nhận định. Ngân hàng này cũng cho rằng “giá hiện tại đã phản ánh đủ rủi ro địa chính trị”.
Giá dầu Brent giao tháng 5 hiện cao hơn dầu Brent giao tháng 11, do nguồn cung bị thắt chặt. Tuy nhiên, mức chênh giá đang thu hẹp dần, hiện chỉ còn 3,5 USD một thùng – thấp nhất một tháng qua. Điều này đồng nghĩa tình trạng khan hiếm đang giảm.
Việc OPEC+ còn nhiều dư địa sản xuất dầu khiến kịch bản gián đoạn nguồn cung khó xảy ra. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính công suất dự phòng của OPEC+ lên tới gần 6 triệu thùng một ngày, tương đương 6% nhu cầu thế giới.
“Biến động giá trước các rủi ro về cung/cầu sẽ nhẹ nhàng hơn nếu nhà đầu tư biết thị trường còn có bộ đệm để dựa vào”, Varga kết luận.
Hà Thu (theo Reuters, Bloomberg)