Nguồn cung bất động sản thiếu cân đối khiến người dân ngày càng khó sở hữu nhà ở
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự thiếu cân đối trong cơ cấu sản phẩm đã khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao và giấc mơ an của của người dân ngày càng xa vời.
Ngày 21/10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 của Chính phủ. Trong đó, một số vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản đã được đề cập.
Bên cạnh các dự án mới, nhiều căn hộ chung cư cũ cũng đã tăng giá “phi mã” trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Vũ |
Theo báo cáo, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu phục hồi nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn. Ngoài ra, sự thiếu cân đối trong cơ cấu nguồn cung đã khiến mặt bằng giá chung cư bị đẩy lên cao trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, khiến khả năng sở hữu nhà ở của người dân ngày càng khó khăn.
Trước đó, phía Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, 70% lượng căn hộ mới được ra mắt trong quý III/2024 đều thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang. Đáng chú ý, những căn hộ chung cư trung cấp (25 – 50 triệu đồng/m2) chỉ xuất hiện tại các dự án đại đô thị ven đô. Còn với phân khúc bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2), dòng sản phẩm này gần như đã “tuyệt chủng”.
Theo VARS, tính đến quý III/2024, giá bán trung bình các mẫu dự án tại Hà Nội đạt gần 60 triệu đồng/m2. So với quý I/2019, con số này đã tăng tới 64%. Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, trong khoảng một tháng qua, Hà Nội đã chào đón thêm ít nhất 3 dự án chung cư mới và tất cả đều thuộc phân khúc cao cấp, giá dao động từ 75 – 170 triệu đồng/m2.
“Thị trường hiện có sự phân hoá ở hai phân khúc. Một là phân khúc cao cấp phục vụ những người có điều kiện tài chính tốt và giới đầu tư. Hai là phân khúc nhà ở xã hội. Điều đáng nói là những sản phẩm bình dân, phân khúc nằm ở giữa hai phân khúc trên, gần như không có”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch của VARS nhận định.
Không chỉ vậy, ông Đính còn đặt vấn đề rằng, việc phân khúc nhà ở vừa túi tiền bỗng dưng biến mất khỏi thị trường là một sự bất thường. Các nhà hoạch định chính sách cần có những quy định cụ thể để thúc đẩy phân khúc này, từ đó thị trường mới thực sự ổn định.
Bên cạnh vấn đề liên quan tới cơ cấu nguồn cung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ, đẩy giá đất đã khiến đa phần lượng giao dịch chỉ diễn ra trong giới đầu cơ. Trong khi đó, người mua nhà ở thực và doanh nghiệp lại trở nên chật vật vì chi phí đất đai tăng cao.
Theo ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc của Công ty SGO Homes, các cuộc đấu giá đất với kết quả “không tưởng” tại vùng ven Hà Nội sẽ trở thành một tác nhân khiến giá đất dự án tăng cao. Bởi lẽ, sau mỗi phiên đấu, mặt bằng giá thị trường lại được tái thiết lập lại theo chiều hướng đi lên. Vấn đề này không chỉ diễn ra tại địa phương tổ chức đấu giá, mà còn tạo phản ứng dây chuyền và gây ảnh hưởng đến những quận, huyện xung quanh.
“Giá đất đấu trúng sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương tham khảo và xây dựng bảng giá đất, từ đó ảnh hưởng tới cả tiền thuế đất. Theo quan sát của tôi, nhiều doanh nghiệp dù đã giải phóng mặt bằng và đã được thông báo tiền thuế đất, nhưng vẫn không dám đóng tiền, bởi khi nộp thuế xong, họ gần như không còn lợi nhuận, thậm chí là lỗ”, ông Chung chia sẻ.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/nguon-cung-bat-dong-san-thieu-can-doi-khien-nguoi-dan-ngay-cang-kho-so-huu-nha-o-d227965.html