Bộ Tài chính khẳng định cần nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng; dòng tiền từ Hà Nội đang dịch chuyển vào phía Nam… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Một khu đất đấu giá tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Nguồn: Vietnamnet) |
Bộ Tài chính có ý kiến về đánh thuế BĐS thứ hai
Liên quan đến việc đánh thuế BĐS đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất, ngày 6/12, Bộ Tài chính cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, cần nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.
Thời gian qua Bộ Tài chính cho biết nhận được một số luồng dư luận cho rằng việc đánh thuế BĐS đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm và cách thức đánh thuế để tránh gây sốc dẫn đến việc bán tháo ồ ạt trên thị trường.
Theo Bộ Tài chính, hiện tại Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến BĐS phát sinh trong quá trình xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ); sử dụng BĐS (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam chưa có khoản thu đối với nhà (trong quá trình sử dụng) và chuyển nhượng BĐS (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng).
Bộ Tài chính cho biết, để thể chế hóa các chủ trương, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ với điều kiện và bối cảnh, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.
Đồng thời, chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS cũng cần sửa đổi phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới, cũng như thông lệ ở một số quốc gia. Qua đó, việc sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, ổn định và bền vững.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành các chính sách thuế liên quan đến BĐS (trong đó có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng) để báo cáo cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam, thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến BĐS.
Việc thực hiện cải cách các chính sách thuế liên quan đến BĐS được đặt trong tổng thể việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới để thay thế cho Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS.
Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, nghiên cứu ý kiến tham gia; rà soát, đánh giá Luật Thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
Trước đó, để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, Bộ Xây dựng gần đây đề xuất giải pháp đánh thuế với người sở hữu từ 2 nhà, đất trở lên./.
Dòng tiền tìm kiếm cơ hội “Nam tiến”
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, lượng người Hà Nội tìm kiếm BĐS tại TP.HCM vào tháng 11/2024 đã tăng 7% so với tháng 1/2024. Ngược lại, lượng người TP.HCM tìm kiếm BĐS Hà Nội giảm 12% trong cùng giai đoạn.
Khảo sát cũng cho thấy 66% người Hà Nội được hỏi quan tâm đến BĐS phía Nam. Ngoài ra, các khu vực vùng ven, các thị trường vệ tinh TP.HCM cũng đang nằm trong mối quan tâm của người tìm kiếm BĐS đến từ Hà Nội. Các thị trường này là Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…
Các loại hình BĐS được người tiêu dùng Hà Nội quan tâm nhất trong xu hướng Nam tiến là chung cư với 75% người tiêu dùng Hà Nội lựa chọn. Kế đó là nhà phố/shophouse với 53%, đất nền 53%, nhà riêng/nhà thổ cư 39%, biệt thự 29%, BĐS nghỉ dưỡng 28%.
Cũng theo ông Tuấn, động lực để giới đầu tư Hà Nội chuyển hướng các thị trường phía Nam đến từ các nguyên nhân sau: Thị trường BĐS tiềm năng (70%), giá đang ở mức khá tốt (46%), có dự án BĐS mới chất lượng tốt (27%), có kế hoạch định cư/vào Nam ở (22%), giá BĐS tại khu vực đang sống quá cao (21%), được người quen/môi giới giới thiệu (10%).
Vậy người tiêu dùng Hà Nội trong quá trình tìm hiểu thị trường BĐS phía Nam đang gặp những trở ngại gì? Ông Tuấn nhấn mạnh, các trở ngại lớn nhất mà nhà đầu tư Hà Nội đang phải đối mặt khi đặt chân đến miền Nam được sắp xếp theo mức độ khảo sát như sau: không nắm rõ thị trường miền Nam (36%), quan ngại về vấn đề pháp lý (18%), giá BĐS đang cao (14%), quan ngại tiềm năng tăng trưởng (13%), quan ngại về tiến độ bàn giao của chủ đầu tư (10%), không có dự án BĐS nào hợp lý để quan tâm, tìm hiểu (6%), các lý do khác chiếm 3%.
Hà Nội giao gần 30.500m2 đất để đấu giá và xây nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông vừa ký quyết định giao gần 30.500m2 đất tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai cho UBND huyện Thanh Oai để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất khu Cưng Trong, thôn Đại Định, xã Tam Hưng.
Diện tích đất trên là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và đất do UBND xã Tam Hưng quản lý, được UBND huyện Thanh Oai xác nhận đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Trong tổng diện tích gần 30.500m2 đất có gần 10.000m2 đất ở để quản lý, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Hình thức giao đất đối với UBND huyện Thanh Oai là giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất theo thời hạn thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở được sử dụng ổn định, lâu dài.
Gần 5.000m2 đất (ô đất ký hiệu XH) để xây dựng nhà ở xã hội (thực hiện theo dự án riêng). Còn lại là đất cây xanh, vỉa hè và đất giao thông, không xây công trình, kể cả tường rào… Hình thức sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất.
UBND huyện Thanh Oai có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực theo quy hoạch được duyệt. Thời hạn sử dụng đất lâu dài. Phương thức giao đất, giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
UBND Thành phố giao UBND huyện Thanh Oai (Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai) liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để nhận bàn giao đất trên thực địa.
Đồng thời, lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định…
Cấp quận, huyện được giao, cho thuê đất công xen kẹt
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo quy định về rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do nhà nước quản lý và việc giao, cho thuê các thửa đất này.
Trước đó, việc rà soát, lập danh mục, giao và cho thuê các thửa đất công nhỏ hẹp, xen kẹt tại TP.HCM được thực hiện theo Quyết định số 37 ban hành ngày 5/9/2023.
Tuy nhiên, căn cứ Luật Đất đai năm 2024 và nghị định liên quan, các tiêu chí xác định, giao và cho thuê các thửa đất công nhỏ hẹp, xen cài tại Quyết định số 23 không còn phù hợp. Trước đây, quy định có 15 điều nhưng dự thảo chỉ còn 11 điều.
Ngoài các tiêu chí xác định khu đất, thửa đất công nhỏ hẹp, nằm xen kẹt, dự thảo đang được lấy ý kiến còn quy định những nguyên tắc giao đất, cho thuê các thửa đất.
Theo quy trình, vào quý 2 hằng năm, UBND cấp xã sẽ rà soát, lập danh mục các thửa đất công nhỏ hẹp, nằm xen kẹt và sau đó phải niêm yết công khai danh mục này.
Đồng thời, UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất liền kề biết để có ý kiến về phương án đề xuất sử dụng thửa đất nhỏ hẹp vào mục đích công cộng, giao hoặc cho thuê; lấy ý kiến về diện tích, ranh giới, hiện trạng…
Sau khi kết thúc niêm yết, UBND cấp xã lập biên bản, tổng hợp và báo cáo UBND cấp huyện. Tiếp đó, UBND cấp huyện sẽ chỉ đạo với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát để tổng hợp danh mục làm cơ sở phê duyệt.
Căn cứ kết quả phê duyệt này, đồng thời sau khi kế hoạch sử dụng đất hàng năm được duyệt và việc quản lý, sử dụng các thửa đất công nhỏ hẹp, xen kẹt được niêm yết công khai, UBND cấp huyện sẽ xem xét quyết định.
Đối với các thửa đất sử dụng vào mục đích công cộng, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý, thực hiện theo quy định.
Đối với các thửa đất mà việc giao, cho thuê cho người sử dụng liền kề thuộc thẩm quyền, UBND cấp huyện được quyết định. Còn nếu thuộc thẩm quyền của UBND TP thì Sở TN-MT sẽ hướng dẫn thực hiện.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-dong-tien-dang-nam-tien-bo-tai-chinh-y-kien-ve-danh-thue-khi-so-huu-nhieu-nha-dat-ha-noi-giao-30000m2-dat-de-dau-gia-296481.html