62% khách Việt được hỏi tin tưởng bài chia sẻ trên mạng xã hội từ những người dùng, nhà sáng tạo nội dung để quyết định chuyến đi.
“Lướt” để đi du lịch là một trong ba xu hướng chính có trong báo cáo khảo sát Klook Travel Pulse về nhu cầu của khách Việt giai đoạn đầu năm 2024. Mạng xã hội là nguồn cảm hứng du lịch số một đối với du khách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. 62% khách Việt cho biết tin tưởng lựa chọn các đề xuất, bài chia sẻ khách quan trên mạng xã hội từ những người dùng thông thường và các nhà sáng tạo nội dung không phải người nổi tiếng.
Báo cáo quý I của nền tảng Klook được thực hiện vào tháng 11/2023 với 2.600 người, tại 14 thị trường bao gồm Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc đại lục, Ấn Độ và Indonesia.
Một xu hướng nổi bật khác của khách Việt đầu năm 2024 là ưu tiên chuyến đi gắn liền hoạt động văn hóa, lễ hội, sự kiện âm nhạc, thể thao với 42% khách Việt lựa chọn. Các sự kiện này như động lực chính thúc đẩy khách quyết định đi du lịch. Lễ hội Songkran sắp tại Thái Lan là một ví dụ điển hình. Trong những tuần cận lễ hội, Klook ghi nhận nhu cầu đặt các dịch vụ, hoạt động du lịch tại Thái Lan tăng lên đến 30% mỗi tuần.
Concert của Taylor Swift tổ chức tại Singapore vào tháng 3 cũng tạo làn sóng hút khách Việt. Nhu cầu du khách quan tâm, đặt các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vé tham quan du lịch tại Singapore trong thời gian diễn ra sự kiện âm nhạc của Taylor Swift tăng trưởng 50%.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam, cho hay các khoản chi này có giá trung bình cao gấp 4-5 lần vé xem concert, trực tiếp tăng doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương. Du khách không chỉ tham gia mỗi sự kiện, mà còn kết hợp tìm kiếm nhiều hoạt động khác tại địa phương trong suốt chuyến đi.
Anh Lý Bẩu Vân, sống tại TP HCM, cho biết 6 năm qua cứ vào dịp tháng 4 anh đều sắp xếp một chuyến du lịch Thái Lan để tham gia lễ hội Songkran vì thích không khí náo nhiệt của ngày lễ này. Chuyến đi Thái dịp Songkran năm ngoái của anh Vân tốn khoảng 12 triệu đồng cho 5 ngày 4 đêm. Khoản chi nhiều nhất dành cho khách sạn, mua sắm và ăn uống. Lễ hội mở cửa cho du khách tham gia tự do, “chỉ mất tiền mua súng nước khoảng 400-500 baht (270.000-340.000 đồng)”.
Nam du khách cho biết đã mua vé máy bay và tiếp tục đi Thái tham gia Songkran vào ngày 14/4 sắp tới.
Bên cạnh xu hướng du lịch kết hợp tham gia sự kiện, khách Việt còn ưu tiên du lịch theo mùa. Khảo sát chỉ ra 3 trên 5 du khách Việt lên kế hoạch chuyến đi dựa trên đặc trưng mùa thời tiết. Du lịch ngắm hoa anh đào là một ví dụ. Klook ghi nhận nhu cầu du lịch đến Đông Bắc Á của khách Việt tăng khoảng 63% vào tháng 3 – thời điểm hoa anh đào vào mùa bung nở. 87% du khách được hỏi cho rằng họ dành trọn vẹn một chuyến đi chỉ để ngắm hoa nở. Ông Huy Hoàng cho hay du khách sẵn sàng đầu tư thời gian và chi tiêu mạnh tay cho các chuyến đi ngắm hoa mùa xuân.
“Hơn một nửa người dùng Việt trên nền tảng của chúng tôi mong muốn dành khoảng 2 tuần du lịch mùa hoa và chi tiêu lên đến 2.500 USD”, ông Hoàng nói.
Anh Đỗ An Ninh, sống tại Hà Nội, cho biết tháng 3 có chuyến đi 5 ngày đến Giang Nam, Trung Quốc để ngắm hoa đào nở. Sau khi về Việt Nam, Ninh lại tiếp tục hành trình săn hoa ở Hàn Quốc trong tháng 4.
Báo cáo cũng cho thấy nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Việt tăng trong 3 tháng đầu năm. Khu vực Đông Nam Á được khách Việt ưa chuộng nhất, các điểm đến dẫn đầu gồm Thái Lan, Singapore và Malaysia. Các điểm đến Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan xếp ngay sau Đông Nam Á về mức độ thu hút khách Việt.
Bích Phương