Người bệnh ung thư vú không cần kiêng ăn món nào trong dịp Tết nhưng hạn chế tiêu thụ quá nhiều bánh kẹo, bánh chưng, món chiên rán.
Dịp Tết Nguyên đán là cơ hội để mọi người thư giãn, thảnh thơi sau một năm tất bật. Mọi người được đi chơi, thưởng thức nhiều món yêu thích.
BS.CKI Đỗ Anh Tuấn, Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo người có các bệnh nền như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, gout nên cẩn trọng. Người bệnh không cần kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào nhưng cần đảm bảo thực đơn cân đối và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Các món ăn trong dịp Tết đa dạng từ thịt kho trứng, giò heo hầm đến thịt đông đều chứa nhiều chất béo từ mỡ động vật. Người bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng nên hạn chế chất béo động vật từ da, mỡ, nội tạng, tim cật, óc. Thay vào đó, người bệnh nên ăn phần thịt nạc và chế biến đơn giản như luộc, nướng, kho… Tăng cường nhiều rau xanh giúp cơ thể đào thải chất béo có hại.
Các loại bánh kẹo, mứt Tết, trái cây sấy cũng phong phú. Bệnh nhân ung thư đang uống thuốc nội tiết có thể tăng cân do tác dụng phụ tích nước. Do đó, nếu ăn nhiều bánh, kẹo, mứt dễ bị tăng cân. Người bệnh ung thư vú đồng thời bị tiểu đường không thưởng thức bánh kẹo vì làm tăng đường huyết, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bánh chưng, bánh tét hoặc các món chiên, dầu mỡ, xào cũng là các món mà người bệnh ung thư vú nên hạn chế. Bánh chưng, bánh tét được làm từ gạo nếp, có tính nóng gây khó tiêu, đầy bụng.
Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia; thay bánh kẹo ngọt bằng các loại bánh làm từ hạt (óc chó, hạnh nhân, hạt dưa, hạt bí…). Người bệnh ung thư vú nên ăn các loại hạt vào bữa phụ để bổ sung chất béo tốt, thêm năng lượng và dưỡng chất.
Dịp Tết, mọi người thường bận rộn với lịch trình về quê, thăm người thân, du lịch nhưng không nên bỏ bữa, quên ăn. Nên mang nước và các loại bánh từ hạt (óc chó, hạnh nhân, mắc ca) khi ra ngoài để ăn, uống tránh đói.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |