Người ủng hộ cấm dạy thêm vì 'quá tiêu cực', người nói nên cho dạy trong trường

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ08/02/2025

Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ 14-2-2025 đang thu hút sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh, với nhiều ý kiến trái chiều.


Người ủng hộ cấm dạy thêm vì 'quá tiêu cực', người nói nên cho dạy trong trường - Ảnh 1.

Học sinh đi học thêm tại một trung tâm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bài viết Quy định mới về dạy thêm sắp có hiệu lực: Nơi ngưng dạy 'nghe ngóng', nơi tìm cách... lách đăng trên Tuổi Trẻ Online 7-2 đang thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc.

Cho cả xấp bài kiểm tra học sinh 0, 1, 2 điểm để dạy thêm

Cho biết mình là giáo viên THCS trên 20 năm, cũng từng làm chủ nhiệm nhiều năm, bạn đọc Miền nói hoàn toàn ủng hộ việc cấm dạy thêm, học thêm vì quá tiêu cực.

Bạn đọc này kể từng cầm trên tay một xấp bài kiểm tra chỉ có điểm 0, 1, 2 từ một giáo viên văn cho điểm học sinh lớp của bạn đọc Miền chủ nhiệm, yêu cầu báo cho phụ huynh biết con họ học yếu.

"Tôi tìm hiểu vì sao các em làm bài không được, thì mới biết nguyên nhân giáo viên không dạy mà cho kiểm tra nội dung đó. Còn nhiều trường hợp tiêu cực khác nữa để ép học sinh đi học thêm mà thực tế trong nghề chúng tôi biết rõ", bạn đọc chia sẻ.

"Học sinh nên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn là cứ chạy từ nhà giáo viên này học xong lại chạy đến nhà giáo viên khác học. Lúc về nhà thì mệt rã rời rồi thì việc tự học sẽ không tốt, thậm chí không có luôn vì đã chép bài tại chỗ học thêm rồi. 

Không dạy thêm giáo viên sẽ dạy tích cực hơn trên lớp. Đây là thực tế ở những giáo viên không dạy thêm tại nơi tôi công tác", bạn đọc Miền viết thêm.

Trong khi đó, bạn đọc Nhung đặt câu hỏi tại sao có phụ huynh, học sinh lại hoang mang khi thông tư sắp có hiệu lực, và cho rằng đó là hậu quả của việc dạy thêm, học thêm từ lâu nay. 

Thay vào đó, nên để các con có thời gian phát triển năng khiếu riêng, vui chơi, thư giãn. Chương trình học sớm muộn sẽ có những sự cải cách phù hợp với các con.

Bạn đọc HJ thậm chí muốn "siết" hơn nữa hoạt động dạy thêm, học thêm khi cho rằng nên cấm tuyệt đối dạy thêm đối với bậc THCS trở xuống. Bậc THPT thực hiện theo quy định mới ban hành. "Thầy cô giáo nên chấp hành nghiêm, đừng tìm cách lách luật làm gì", bạn đọc viết.

Theo bạn đọc Tư Cà Mau, ở trường, các môn tự nhiên thầy cô chỉ cho vài cái tựa đề hay gạch đầu dòng rồi giảng sơ sơ, hết giờ. Còn học thêm thì sẽ được giải chi tiết từng bài nên các em phải đi học thêm thôi. "Đó là "bửu bối" của nhiều giáo viên", bạn đọc này cho biết.

Dạy thêm trong trường không thu tiền thì ai chịu dạy?

Hiện tại ở TP.HCM, nhiều trường THCS, THPT đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, được phép thu tiền và mức thu đã được quy định. 

Tuy nhiên theo thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường không được thu tiền khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với những học sinh diện phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức. Đồng nghĩa hầu hết các trường gặp khó khăn về kinh phí nếu muốn duy trì hoạt động này, trước hết là để trả lương cho giáo viên.

Vấn đề bất hợp lý trên cũng được nhiều bạn đọc chỉ ra. 

Bạn đọc Anh Chín nêu một bất cập rằng cả triệu học sinh đang theo học bán trú vì gia đình các em không có thời gian đưa đón, nhất là công nhân, người lao động. Học một buổi về rồi ai đưa đón các em, hay phụ huynh phải nghỉ một người không đi làm chỉ để đưa đón con đi học? 

Học bán trú phải tăng tiết, có thu tiền của phụ huynh, nhưng điều này lại phạm quy với thông tư mới.

Cùng ý kiến, bạn đọc Hoàng cho rằng nếu hoạt động dạy thêm trong nhà trường không được thu phí, nghĩa là không có thêm tiền trả cho giáo viên đứng các lớp, thì giáo viên nào sẽ chịu "tăng ca nhưng không thêm thu nhập".

Bạn đọc Vũ Nguyên đặt vấn đề theo định nghĩa dạy thêm của thông tư, có thể hiểu chương trình quy định môn dạy 70 tiết, nếu dạy 71 tiết thì 1 tiết đó là dạy thêm. 

Vậy thông tư này có áp dụng với các trường tư thục không, vì nhiều trường tư thục dạy một số môn chính để thi tốt nghiệp với số tiết rất nhiều so với quy định.

"Với quy định này, trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, có sự công bằng giữa học sinh học trường thông thường và trường tư thục không khi học sinh trường tư thục được học thêm nhiều, còn học sinh trường thường thì gần như không được học thêm?", bạn đọc này so sánh.

Bạn đọc có tên N.Q.Đ. cho rằng việc dạy thêm trong trường khó khăn hơn có thể ảnh hưởng đến những phụ huynh thu nhập thấp. Những gia đình có điều kiện có thể thuê hẳn gia sư giỏi 1 kèm 1. 

Còn những gia đình thu nhập thấp, con cái đang học thêm ở trường có tốn kém nhưng vẫn rất rẻ, giờ ra trung tâm đắt gấp mấy lần.

"Cái cần thay đổi không phải cấm dạy thêm, mà là thay đổi chương trình. Học nặng quá không học thêm sao theo được. Tôi xem sách giáo khoa môn toán của con tôi thấy nội dung khó hơn xưa rất nhiều. Kiến thức vẫn nặng như thế mà đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn, bảo sao trẻ không học thêm?", bạn đọc Đ. viết.

Bạn đọc Đ. nêu quan điểm: Sách giáo khoa quá nặng cho các cấp học, trên trường thầy cô chỉ có thời gian dạy khái quát thì làm sao đi sâu? Lúc thi tốt nghiệp lại ra đề nâng cao, bao nhiêu học sinh nếu chỉ học trên lớp có thể làm tốt?

Còn bạn đọc Kiên Hoàng kiến nghị về việc tăng lương và thu nhập cho giáo viên để giải quyết vấn đề dạy thêm hiện nay.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tăng lương cho giáo viên là hết dạy thêm ngay. Cụ thể, lương giáo viên mầm non 20 triệu một tháng. Lương giáo viên cấp 1 là 25 triệu một tháng. Lương giáo viên cấp 2 là 30 triệu một tháng. Lương giáo viên cấp 3 là 40 triệu một tháng", bạn đọc này đề xuất.



Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-ung-ho-cam-day-them-vi-qua-tieu-cuc-nguoi-noi-nen-cho-day-trong-truong-20250208101142836.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available