(LĐXH) – Khác với thế hệ trước đó, người trẻ Nhật Bản mong muốn có thể làm việc ít hơn, mức lương cao hơn và chấm dứt tình trạng karoshi hay “làm việc đến chết”.
Trong nhiều thập kỷ, văn hóa làm việc của người Nhật Bản gắn liền với những giờ làm việc mệt mỏi và sự hy sinh bản thân.
Tuy nhiên, một cuộc cách mạng thầm lặng dường như đang diễn ra: Những người lao động trẻ tuổi của Nhật Bản làm việc ít giờ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu thế kỷ. Điều này làm dấy lên hy vọng tình trạng tử vong do làm việc quá sức có xu hướng giảm.
Theo kết quả nghiên cứu của ông Takashi Sakamoto, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Recruit Works, trong những năm gần đây, số giờ làm việc hàng năm ở Nhật Bản đã giảm 11,6%, từ 1.839 giờ vào năm 2000 xuống còn 1.626 giờ vào năm 2022, đưa quốc gia này ngang hàng với nhiều nước châu Âu.
Mức giảm này thể hiện rõ nhất ở nhóm nam giới trong độ tuổi 20, những người làm việc trung bình 46,4 giờ/tuần vào năm 2000 nhưng chỉ còn 38,1 giờ/tuần vào năm 2023, theo báo cáo “Nền kinh tế thực sự của Nhật Bản” của Sakamoto được công bố tháng 11/2024.
“Những người trẻ tuổi đang quyết định rằng họ không muốn hy sinh bản thân vì một công ty. Tôi nghĩ điều đó khá khôn ngoan”, ông Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông và phương tiện truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự chuyển biến thế hệ. Không giống cha mẹ của họ, những người chấp nhận làm việc nhiều giờ để đổi lấy tăng trưởng kinh tế và sự ổn định trong công việc, thanh niên Nhật Bản đang ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và từ chối chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt.
“Quay trở lại những năm 1970 và 1980, nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và càng làm việc, người ta càng kiếm được nhiều tiền. Việc kiếm được nhiều tiền khiến công sức bỏ ra trở nên xứng đáng. Nhưng giờ thì không còn như vậy nữa”, Watanabe nói.
Tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản cũng mang lại cho người trẻ một lợi thế hiếm có: Khả năng thương lượng. Các công ty đang rất cần nhân tài đến mức họ bắt đầu tiếp cận sinh viên đại học trước khi tốt nghiệp, với hy vọng có thể tuyển dụng được họ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đối với những nhân viên cảm thấy phải làm việc quá sức hoặc bị đánh giá thấp, việc tìm kiếm công việc mới dễ dàng hơn bao giờ hết. Sự thay đổi này cũng được phản ánh trong mức lương.
Mặc dù làm việc ít giờ hơn, nhưng tiền lương của những người ở độ tuổi 20 đã tăng 25% kể từ năm 2000, theo báo cáo của Sakamoto. Trong khi đó, ngày càng ít công ty yêu cầu nhân viên làm thêm giờ mà không được trả lương, một vấn đề vốn tồn tại lâu đời ở các văn phòng Nhật Bản.
Các nhà xã hội học như Izumi Tsuji của Đại học Chuo ở Tokyo, một thành viên của Nhóm nghiên cứu thanh niên Nhật Bản cho biết, sự ổn định, chứ không phải tham vọng là mục tiêu của những người lao động trẻ tuổi.
Ông cho biết: “Những người trẻ tuổi cảm thấy khó có thể mơ về tương lai, vì vậy họ mong muốn có sự ổn định trong cuộc sống hàng ngày. Họ chỉ muốn kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống, để được thoải mái… Họ chấp nhận gác lại những tham vọng lớn của mình”.
Xu hướng mới này của giới trẻ Nhật Bản không nhận được sự đồng tình của nhiều người lao động lớn tuổi, những người đã xây dựng sự nghiệp bằng cách làm việc nhiều giờ.
Tsuji lưu ý rằng những người quản lý ở độ tuổi 50 và 60 cho biết họ thường hành động cẩn trọng để tránh những lời phàn nàn về việc làm quá sức của những đồng nghiệp trẻ tuổi.
Tuy nhiên, sự thay đổi văn hóa này cũng có mặt tích cực. Cuộc khủng hoảng karoshi của Nhật Bản vẫn đáng lo ngại khi có tới gần 3.000 người đã tự tử do làm việc quá sức vào năm 2022, tăng so với mức gần 2.000 người của năm trước đó, theo một báo cáo của chính phủ Nhật Bản.
Số liệu chính thức của năm 2023 cho thấy có 54 ca tử vong do các vấn đề sức khỏe vì làm việc quá sức như đột quỵ và đau tim, mặc dù các chuyên gia tin rằng số người tử vong thực sự cao hơn nhiều.
“Karoshi là vấn đề nghiêm trọng trong suốt thời gian dài, sẽ thật tốt nếu con số này sớm giảm xuống. Nếu những người trẻ tuổi cảm thấy hạnh phúc vì làm việc ít giờ hơn và có sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, thì điều đó có thể xảy ra”, ông Tsuji cho biết.
Diệu Linh (theo SCMP)
Báo Lao động và Xã hội số 7
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nguoi-tre-nhat-ban-quay-lung-voi-van-hoa-lam-viec-qua-suc-20250116110853147.htm