Nỗi bất mãn về cuộc sống quá căng thẳng và niềm thất vọng về các bê bối của chính quyền khiến người trẻ Hàn Quốc không mặn mà với bầu cử.
Ngày bầu cử 10/4 để chọn ra 300 nhà lập pháp sẽ là cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc có số cử tri từ 60 tuổi trở lên đông hơn số cử tri ở độ tuổi ngoài 20 và ngoài 30.
Tỷ lệ này thể hiện xu hướng nhân khẩu học của Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và xã hội đang già hóa nhanh chóng, số lượng người kết hôn giảm và các hộ độc thân đang trở nên phổ biến
Chính trường Hàn Quốc chủ yếu do đàn ông lớn tuổi thống trị. Nghị sĩ nam trên 50 tuổi chiếm hơn 70% ghế trong quốc hội. Chỉ 5,6% ứng viên trong cuộc bầu cử ngày 10/4 là người dưới 40 tuổi.
Thống kê cho thấy trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, chỉ 57,9% cử tri trong độ tuổi 20 và 30 đi bỏ phiếu , trong khi tỷ lệ này ở cử tri độ tuổi 60 và 70 là 79,3%.
Tầng lớp người lớn tuổi “không thể thấu hiểu tình cảnh chơi vơi của giới trẻ ngày nay”, Gi Wook Shin, giáo sư xã hội học Đại học Standford, nói. Đây là nguyên nhân chính đẩy “xung đột thế hệ” lên cao.
Bởi Hàn Quốc đang già hóa, ảnh hưởng của người lớn tuổi lên chính trị cũng ngày càng quan trọng. Xu hướng này “sẽ tiếp tục khiến thanh niên xa lánh chính trị và bầu cử”, Linda Hasunuma, nhà khoa học chính trị Đại học Temple, nói.
“Nhiều người cảm thấy xã hội sẽ không thể có thay đổi lớn với hệ thống chính trị hiện thời”, bà giải thích. “Do cử tri lớn tuổi áp đảo, các chính sách sẽ nghiêng về phía họ hơn là cử tri trẻ tuổi”.
Lee Min-ji, 23 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, cho rằng loạt bê bối gần đây là bằng chứng cho thấy chính phủ đang thờ ơ với các vấn đề của giới trẻ, điển hình là vụ giẫm đạp Halloween năm 2022 ở Itaewon khiến hơn 150 người thiệt mạng, chủ yếu là thanh thiếu niên.
“Họ nói quá nhiều về việc giới trẻ không kết hôn và sinh con. Tôi không biết khi nào thì họ ngừng coi việc tỷ lệ sinh giảm là vấn đề, trong khi họ còn chưa thể bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên đang sống”, cô nói.
Yu Jung, 26 tuổi, mất em gái trong vụ giẫm đạp Itaewon, cảm thấy thanh niên bây giờ quá mức căng thẳng, làm việc quá tải, nên không đủ sức quan tâm đến chính trị. Yeon-ju, em gái cô, đã phải vừa học vừa làm nhiều công việc bán thời gian để kiếm tiền, chỉ ngủ 6 tiếng mỗi ngày.
“Khi họ gọi chúng ta nhập ngũ, họ nói chúng ta là người con của dân tộc. Khi họ phải chịu trách nhiệm, họ quay sang hỏi: ‘Các người là ai?'”, nội dung trên một tấm áp phích viết.
“Lý do chúng ta phải đi bỏ phiếu là chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này nữa”, anh nói. “Thật vô nghĩa khi chúng ta sống một cuộc đời có thể tiêu tan bất kỳ lúc nào”.
Hồng Hạnh (Theo AFP)