Cổ đông ngoại Tập đoàn SCG (Thái Lan) sẽ nhận hơn 567 tỷ đồng khi Nhựa Bình Minh dành gần hết lợi nhuận để chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trong tài liệu phiên họp thường niên sắp tới, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) trình kế hoạch trích 99% lợi nhuận sau thuế năm 2023, khoảng 1.031 tỷ đồng, để chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 126%. Như vậy với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông BMP sẽ nhận 12.600 đồng.
Tháng 11/2023, công ty đã tạm ứng cổ phiếu tỷ lệ 65%, tương đương trên 532 tỷ đồng. Do đó, nếu được thông qua, BMP sẽ chia cổ tức tiếp đợt hai với tỷ lệ 61%, khoảng 499 tỷ đồng.
Trong số các cổ đông, Nawaplastic Industries – thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), sẽ nhận nhiều nhất, trên 567 tỷ đồng. Nhóm này đang nắm 55% vốn tại BMP.
Kế hoạch chia cổ tức 126% được Nhựa Bình Minh đưa ra sau một năm lãi kỷ lục. Năm ngoái, doanh nghiệp này thu gần 5.200 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 1.040 tỷ – tăng gấp 1,5 lần năm trước đó. Đây cũng là lần đầu sau 46 năm hoạt động, công ty lãi trên nghìn tỷ đồng.
Cổ tức năm 2023 cũng là mức cao nhất doanh nghiệp này thực hiện từ khi niêm yết vào năm 2006. Tính từ lúc người Thái trở thành cổ đông lớn vào năm 2012 đến nay, doanh nghiệp duy trì việc chia cổ tức đều đặn mỗi năm với tỷ lệ thấp nhất 26% (năm 2021 – cao điểm đại dịch). BMP chuộng dùng “tiền tươi thóc thật”. Riêng năm 2012 và 2016, công ty kết hợp chia thêm cổ phiếu thưởng cho cổ đông.
Ước tính số cổ tức bằng tiền mà nhóm cổ đông “xứ chùa vàng” nhận được sau 12 năm rót vốn vào BMP khoảng 1.991 tỷ. Trước đó, Tập đoàn SCG chi hơn 2.800 tỷ đồng cho 4 lần mua gom cổ phiếu BMP. Như vậy, tính riêng cổ tức bằng tiền, nhóm người Thái đã lãi 71%.
Năm nay, doanh nghiệp nhựa dẫn đầu ngành nhựa đặt mục tiêu doanh thu 5.540 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.030 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái. Ban lãnh đạo cũng đặt mục tiêu sẽ dành tối thiểu 50% lợi nhuận để chia cổ tức.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BMP chốt phiên cuối tuần với mức tăng kịch biên độ, lên 120.300 đồng một đơn vị. Đây là mã chứng khoán có thị giá cao thứ tư trên sàn HoSE.
Tập đoàn SCG có mặt tại Việt Nam hơn một thập kỷ, khởi đầu bằng liên doanh với các doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực hóa dầu, vật liệu xây dựng. Sau đó, đại gia Thái mở rộng quy mô bằng các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành nhựa, bao bì. Cuối năm ngoái, tập đoàn này chi gần 700 tỷ đồng để mua lại 70% vốn nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu Starprint Việt Nam.
Tất Đạt