Theo đó, người phụ nữ 54 tuổi có tiền sử khỏe mạnh. Trước đó 10 ngày, bà bị râu tôm chọc vào ngón tay phải khiến ngón tay sưng nề, tấy đỏ, đau nhiều. Bệnh nhân đi chích rạch tháo mủ tại phòng khám tư.
Sau vài ngày, bà đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh và phát hiện bạch cầu, tiểu cầu tăng cao, kèm thêm biểu hiện lâm sàng lách to.
Tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương (Hà Nội), sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tủy mạn, ung thư máu mạn tính. Qua 10 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện, uống thuốc tại nhà và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật, phó trưởng khoa điều trị hóa chất bệnh viện cho biết nhiều bệnh nhân ung thư máu mạn tính tình cờ phát hiện bệnh khi khám, xét nghiệm tầm soát sức khỏe hoặc khi đi khám vì một vấn đề sức khỏe liên quan nào đó.
Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường, người dân không nên chủ quan. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ hằng năm cũng vô cùng quan trọng để phát hiện bệnh ở giai đoạn “mầm mống”.
Tùy giai đoạn và thể bệnh, những triệu chứng của bệnh ung thư máu mạn tính diễn ra khác nhau. Các tế bào bất thường của ung thư máu thường tích lại tại gan, thận, lá lách, ruột… gây ra các triệu chứng đau bụng, ăn không ngon miệng, chán ăn, luôn có cảm giác buồn nôn.
Lê Trang