Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục ghi dấu ấn trong lĩnh vực y học khi hỗ trợ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ca lấy – ghép đa tạng từ người hiến chết não.
Tin mới y tế ngày 29/11: Hợp tác y tế mở ra hy vọng cho người ghép tạng
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục ghi dấu ấn trong lĩnh vực y học khi hỗ trợ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ca lấy – ghép đa tạng từ người hiến chết não.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện lấy – ghép đa tạng
Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã hỗ trợ Bệnh viện Quân y 103 tổ chức lấy 7 mô tạng gồm tim, gan, phổi, 2 thận, 2 giác mạc từ người hiến chết não, đồng thời thực hiện chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho Bệnh viện Quân Y 103.
Đây cũng là lần thứ 3 Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hỗ trợ Bệnh viện Quân y 103 theo hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ghép gan năm 2024.
Các bác sỹ thực hiện ca ghép đa tạng. |
Trước đó, Bệnh viện Quân y 103 đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 20 tuổi, hôn mê sâu do chấn thương sọ não nặng ngày thứ 5.
Sau những nỗ lực cứu chữa của đội ngũ y, bác sỹ, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Với tấm lòng nhân đạo thiện nguyện, đại diện gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng của nạn nhân để cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.
Nhận được thông tin, chiều ngày 27/11/2024, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 ngay lập tức cử các chuyên gia hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Quân y 103 để xây dựng kế hoạch lấy-ghép đa mô, tạng bảo đảm an toàn, chặt chẽ, khoa học và tuân thủ đúng các quy định chuyên môn.
Sau hơn 1 tiếng hội chẩn, đoàn chuyên gia Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã gấp rút có mặt tại bệnh viện Quân y 103. Và trong ca ghép đa tạng lần này, Bệnh viện Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã giúp đỡ về nhân lực và các trang thiết bị y tế.
Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hỗ trợ lấy tim, phổi, gan, 2 thận và 2 giác mạc từ người hiến chết não, đồng thời tham gia chuyển giao kỹ thuật ghép gan trực tiếp và hỗ trợ hồi sức sau mổ tại Bệnh viện Quân y 103.
Sau ca ghép đa tạng các bệnh nhân nhận tạng đang có những tiến triển tốt. Đối với ghép gan, bệnh nhân tỉnh táo, rút nội khí quản và có thể nói chuyện bình thường ngay sau ca mổ.
Đây là ca ghép gan thứ 3 Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hỗ trợ trong hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ghép gan với Bệnh viện Quân y 103 đã ký đầu năm 2024.
Ca ghép đầu tiên Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hỗ trợ là ca ghép từ người cho sống diễn ra vào ngày 4/7/2024. Ca ghép gan thành công chính là kết quả của quá trình chuyên giao, sự phối hợp nhịp nhàng nhanh chóng kịp thời giữa 2 bệnh viện.
Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã và đang có những đóng góp to lớn trong sự phát triển ghép mô, tạng tại Việt Nam.
Với bề dày hơn 70 năm trưởng thành và phát triển, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 không ngừng đẩy mạnh ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, luôn giữ vững vị thế của một trong những trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao.
Trong năm 2024, Bệnh viện đã thực hiện ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho 4 cơ sở y tế. Trong buổi ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho Bệnh viện Trung ương Huế vào tháng 11 vừa qua, Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, Bệnh viện coi công tác chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện là trách nhiệm, là mong muốn của cán bộ nhân viên Bệnh viện Trung ương quân đội 108 muốn chia sẻ tới các đồng nghiệp của mình.
Tính đến nay, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã thực hiện gần 250 ca ghép gan, gần 500 ca ghép thận, 2 ca ghép tim, 4 ca ghép phổi và 4 ca ghép chi.
Bệnh viện đã trở thành trung tâm ghép gan số 1 Việt Nam và Đông Nam Á. Với số lượng ghép 50 ca/năm, phấn đấu đạt 100 ca/năm trong giai đoạn tới cho thấy trình độ, kinh nghiệm, năng lực ghép gan của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vươn tầm quốc tế.
Việt Nam làm chủ các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu và bệnh lý huyết học
Theo PGS-TS.Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – truyền máu trung ương, thời gian qua, chuyên ngành Huyết học – truyền máu đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế về việc ứng dụng những kỹ thuật, phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý huyết học cũng như trong công tác bảo đảm an toàn truyền máu.
Nói về thành tực của lĩnh vực huyết học, theo ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc cả về chất và lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chuyên ngành Huyết học – truyền máu.
Nhiều nghiên cứu, các, tiến bộ của khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong công tác điều trị. Về cơ bản hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật liên quan đến tế bào gốc, các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu và bệnh lý huyết học. Công tác truyền máu đã có những bước đột phá từ khâu vận động hiến máu, xây dựng nguồn người hiến máu, điều phối và đảm bảo an toàn truyền máu.
Được biết, chương trình khoa học của hội nghị gồm 121 báo cáo thuộc tất cả các lĩnh vực thuộc chuyên ngành Huyết học – truyền máu.
Trong đó, 5 chuyên gia quốc tế sẽ trình bày 6 báo cáo cập nhật kiến thức về các vấn đề: Ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể, điều trị nhắm đích, bệnh lý huyết khối và các biến chứng chảy máu liên quan tới cấy ghép thiết bị tạo nhịp tim và can thiệp mạch máu não…
Các báo cáo, công trình khoa học đã phản ánh quá trình nghiên cứu công phu và những nỗ lực không ngừng của ngành Huyết học – truyền máu trong phát triển chuyên môn, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới.
Với lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tiếp tục phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau.
Riêng Viện Huyết học – truyền máu trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này.
Cùng với đó, lĩnh vực di truyền – sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở các bệnh máu; góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý huyết học và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền. Hoạt động phòng bệnh tan máu bẩm sinh, căn bệnh di truyền với 13,8% dân số mang gen bệnh cũng được đẩy mạnh tại nhiều địa phương.
Ngoài ra, lĩnh vực truyền máu đã bảo đảm được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị; tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt trên 97%.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra 6 hội thảo vệ tinh và triển lãm y khoa chuyên ngành Huyết học – truyền máu với 32 gian trưng bày, giúp các cán bộ y tế cập nhật những tiến bộ mới về trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất, sinh phẩm… phục vụ hoạt động chuyên môn.
Phẫu thuật robot- bước tiến mới trong điều trị bệnh lý lồng ngực
Lĩnh vực Ngoại Lồng ngực đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi những cánh tay robot thay thế các phẫu thuật viên cầm dao mổ, nhờ đó giảm nguy cơ biến chứng và giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.
Phẫu thuật lồng ngực hỗ trợ bằng robot lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2002 và ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Nếu trong giai đoạn 2018 – 2022, mỗi năm chỉ có từ 1-2 triệu ca thì năm 2023, con số này đã vượt hơn 2,2 triệu, và từ đầu năm 2024 đến nay có hơn 2,6 triệu trường hợp được điều trị bằng phương pháp này.
Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay có hơn 3.600 ca phẫu thuật robot, trong đó 16% là các ca mổ điều trị bệnh lý lồng ngực. Con số này chứng minh Việt Nam đã dần tiệm cận với nền y học tiên tiến, đưa phẫu thuật robot trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu trong can thiệp ngoại khoa.
Phẫu thuật rất quan trọng đối với các bệnh lý lồng ngực như ung thư phổi, u trung thất, nhão cơ hoành, thoát vị cơ hoành… Khi robot chưa ra đời, có hai phương pháp mổ chính gồm phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi.
Nếu phẫu thuật mở phải rạch đường mổ dài, làm tăng rủi ro nhiễm trùng, chảy máu, lâu hồi phục… thì phẫu thuật nội soi đã khắc phục gần hết các nhược điểm này. Tuy có tỷ lệ biến chứng thấp hơn mổ mở nhưng mổ nội soi vẫn có nguy cơ gây tổn thương các cơ quan lân cận hoặc khó khăn trong thao tác một số vị trí ở sâu và hẹp.
Với độ linh hoạt và chính xác cao, phẫu thuật robot đã giải quyết được các hạn chế của mổ nội soi truyền thống.
Các chuyên gia đều khẳng định phẫu thuật robot là phương pháp mổ hiện đại với nhiều ưu điểm nổi bật: bóc tách triệt để khối u làm tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân ít đau hơn, ít mất máu, hồi phục nhanh giúp rút ngắn thời gian nằm viện, đảm bảo thẩm mỹ. Do đó, phương pháp này ngày càng được sử dụng nhiều tại các nước phát triển.
Tại một số bệnh viện trong đó có Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, hệ thống phẫu thuật nội soi robot da Vinci Xi thế hệ mới nhất được đưa vào sử dụng.
Ưu điểm nổi bật của mổ nội soi robot là giúp giảm đau, vết thương nhỏ và bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường chỉ 1-3 ngày sau phẫu thuật.
Robot phẫu thuật da Vinci Xi được thiết kế để không làm di chuyển điểm xoay ở vùng xương sườn. Vì thế, bệnh nhân ít bị đau và kích ứng mô sau phẫu thuật hơn so với mổ nội soi truyền thống.
Ngoài ra, việc sử dụng robot phẫu thuật còn giúp giảm biến chứng, tai biến sau mổ với tỷ lệ cao hơn so với mổ nội soi bằng kỹ thuật khác. Tỷ lệ tái phát, tái nhập viện cũng giảm đáng kể.
Bên cạnh nhiều ưu điểm vượt trội, phẫu thuật nội soi robot vẫn tiềm ẩn một số thách thức: không gian phẫu thuật nội soi thường hẹp, ảnh hưởng đến tầm nhìn và khả năng thao tác của phẫu thuật viên; phẫu thuật viên giảm khả năng cảm nhận trực tiếp dao mổ, gây khó khăn trong việc xác định giải phẫu chính xác; các dụng cụ nội soi yêu cầu kỹ năng vận hành chuyên sâu để đạt hiệu quả tối ưu; đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong đội phẫu thuật.
Do đó, để ca mổ diễn ra thành công, phẫu thuật viên cần được đào tạo chuyên sâu, thuần thục kỹ năng thao tác với cánh tay robot, đồng thời nhanh nhạy trong xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình mổ.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-2911-hop-tac-y-te-mo-ra-hy-vong-cho-nguoi-ghep-tang-d231273.html