Ngày 24/6, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, mới đây, đơn vị này đã tiếp nhận một trường hợp bị liệt mặt do lạnh.
Cụ thể, thức dậy sau một đêm ngủ trong phòng điều hòa, bệnh nhân H.T.T (47 tuổi) tá hỏa khi phát hiện mắt phải không nhắm kín, miệng méo sang trái, ăn uống rơi vãi. Vội đến bệnh viện khám, bệnh nhân được chẩn đoán liệt mặt phải do lạnh.
Tại đây, bệnh nhân được điều trị phục hồi tại Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng liệt mặt của bệnh nhân đã được cải thiện tuy nhiên, chưa phục hồi hoàn toàn.
BS.CKI Phạm Anh Hùng - Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây liệt mặt ngoại biên là do lạnh, bởi dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với bề mặt da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ.
"Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi sẽ co lại gây tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên, chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh đã có thể mắc bệnh", BS Phạm Anh Hùng lý giải.
Trên thực tế, thời gian qua, tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận nhiều ca bệnh liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt), trong đó có cả những bệnh nhi ở độ tuổi rất nhỏ và những ca bệnh này đều có điểm chung là xuất hiện triệu chứng bệnh sau khi ngủ dậy, phần lớn nguyên nhân do nằm điều hòa sai cách.
Theo đó, trong giai đoạn nắng nóng, mọi người thường xuyên ở trong môi trường có điều hòa và quạt, có khi ngủ dưới điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng liệt mặt, méo miệng.
Liệt nửa mặt không nguy hiểm đến tính mạng, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co giật nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc.
Cách phòng ngừa liệt mặt trong mùa hè
Để đề phòng liệt dây thần kinh số 7 trong mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần tránh gió lạnh đột ngột. Với những gia đình dùng điều hòa, chú ý không nên để nhiệt độ phòng quá thấp. Nên để từ 26-28 độ C và lưu ý nhiệt độ trong phòng không được chênh quá lớn so với nhiệt độ bên ngoài.
Khi bật điều hoà ban đêm, nên hẹn giờ điều hòa hoặc tắt khi nhiệt độ phòng đã mát. Nên tránh hướng điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu vì như vậy rất dễ bị ngạt mũi, khó thở và dễ mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng, thậm chí bị liệt dây thần kinh.
Không nên bước vào ngay phòng điều hòa khi đi nắng hoặc vận động mạnh về. Trước khi ra khỏi phòng cần đứng ở cửa mở rộng vài phút để kịp thích nghi với không khí nóng bên ngoài. Gia đình nên đặt điều hòa ở nơi càng cao càng tốt, hãy điều khiển chế độ quạt đảo chiều để không làm hướng gió thổi thẳng một chỗ.
Bên cạnh đó, không tắm quá khuya. Sau khi tắm xong không nên vào phòng điều hòa lạnh để tránh sốc nhiệt, gây liệt mặt, thậm chí đột quỵ. Ngoài ra, khi ra đường cần đeo khẩu trang giữ ấm mặt; không nên cho trẻ ngồi phía trước xe máy để tránh trẻ bị gió lạnh, gây hại cho trẻ.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh cần sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời hạn chế tối đa để lại những di chứng của bệnh.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-47-tuoi-nhap-vien-cap-cuu-sau-mot-dem-ngu-trong-phong-dieu-hoa-172240624160311832.htm
Bình luận (0)