Xoa bóp có nhiều lợi ích giúp giải mỏi, giảm đau do mệt mỏi, tê nhức, tuy nhiên việc thực hiện xoa bóp cần thực hiện bởi người có chuyên môn và tránh lạm dụng.
Lợi ích của xoa bóp
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết đối với gương mặt, việc xoa bóp giúp da mặt trở nên mềm mại, làn da sáng, hồng hào, đàn hồi hơn, giảm căng thẳng từ các cơ mặt và các mô lân cận. Xoa bóp giúp phục hồi sức khỏe tâm thể, giúp cơ thể cảm thấy thoải mái và ngày càng khỏe hơn.
Ngoài ra, xoa bóp còn giúp cải thiện và trị liệu tốt các chứng bệnh thuộc đau, yếu liệt, rối loạn chức năng cơ thể; Hỗ trợ trị liệu các bệnh đau do thần kinh (đau do thần kinh tọa, đau do thần kinh mặt, đau do viêm đa dây rễ thần kinh), đau do cơ xương khớp (đau khớp chi trên, chi dưới, đau cột sống), đau sau chấn thương (tai nạn giao thông, lao động, thể dục thể thao…), bệnh lý về yếu liệt như yếu liệt nửa người, liệt mặt, liệt chi trên, chi dưới…
Những điều cần lưu ý khi xoa bóp
Theo bác sĩ Vũ, ưu điểm của phương pháp xoa bóp là tiện lợi, không cần trang thiết bị nhiều, chỉ sử dụng đôi tay là chính, có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích trong làm đẹp, phục hồi sức khỏe, phòng chữa bệnh và cải thiện tốt sức khỏe tâm thể. Đây là một phương pháp, một nghệ thuật tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái, có thể dùng trong bất kể hoàn cảnh nào và không bị lệ thuộc vào các dụng cụ, phương tiện khác.
Chính vì yếu tố giản tiện trên mà nhiều người hiểu lầm là xoa bóp rất dễ, không cần học, ai cũng có thể làm xoa bóp được. Thậm chí có quan niệm thầy thuốc tốt nhất là chính mình nên dẫn đến việc tự làm, nhờ người khác làm cho mình và không quan tâm đến tính chuyên môn của một người xoa bóp hay cơ sở xoa bóp. Việc lạm dụng xoa bóp chẳng những sức khỏe không cải thiện, mà còn gây nên thương tật nhất thời hay vĩnh viễn.
“Nhiều người thấy đau, tê, nhức mỏi thì thường đi xoa bóp, nhờ người khác xoa bóp. Phương pháp xoa bóp giúp giảm đau, tê mỏi rất tốt do làm mềm gân cơ, chất nội tiết được kích thích tạo cảm giác giảm đau, thư giãn. Tuy nhiên cần lắng nghe cơ thể vì đau, tê, nhức mỏi có thể không đơn thuần là do mệt mỏi, làm việc quá sức mà còn là dấu hiệu của nhiều bệnh cấp, mạn tính. Cần thận trọng hơn với các cơn đau có tính chất dữ dội, đột ngột như đau lưng, đau ngực, đau háng, đau bụng… Khi xoa bóp cần chọn cơ sở uy tín có chuyên môn, người có chuyên môn”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Trước khi xoa bóp trị bệnh cần có chẩn đoán rõ ràng rồi mới tiến hành xoa bóp. Người xoa bóp cho người khác phải được đào tạo chuyên môn bài bản. Không làm xoa bóp khi người bệnh quá đói hoặc quá no, cần nghỉ 5 đến 10 phút trước khi xoa bóp. Thủ thuật nặng nhẹ phải phù hợp với tình hình sức khỏe của người được xoa bóp như thực hiện lần đầu hay đã làm nhiều lần, người già hay trẻ con, người mập hay người ốm mỗi nhóm người phải được chăm sóc chu đáo vừa sức, hiệu quả.
“Khi xoa bóp ở nơi đau phải chú ý sức chịu đựng của người được xoa bóp, không làm quá mạnh hoặc quá nhẹ. Sau mỗi lần xoa bóp, hôm sau người được xoa bóp thấy mệt mỏi, khó chịu tức là đã làm quá mạnh, lần sau cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp”, bác sĩ Vũ cho hay.
Một đợt xoa bóp từ 10 đến 15 lần (khoảng 2 tuần) là vừa, để tránh hiện tượng lờn xoa bóp và ghiền xoa bóp khi xoa bóp lâu và thời gian dài. Thời gian một lần làm xoa bóp đối với toàn thân khoảng 60 phút. Nếu xoa bóp từng bộ phận có thể làm từ 10 đến 15 phút.
Các trường hợp không nên xoa bóp
Xoa bóp có tác dụng rất tuyệt vời, an toàn và gần như không có tác dụng phụ, tuy nhiên không phải ai cũng có thể được xoa bóp. Cần thận trọng trong một số trường hợp sau:
- Có vết thương ngoài da và mất nhiều máu.
- Khớp sưng, đỏ và dù nghỉ ngơi vẫn than đau.
- Trật khớp, gãy xương.
- Sốt cao.
- Dãn tĩnh mạch chi dưới nhất là có huyết khối
- Phát ban đột ngột hay có chỗ lở loét, mụn nhọt trên da.
- Ung thư, cao huyết áp thể nặng, hạch bạch huyết sưng to, tiểu ra máu.
- Người đã uống nhiều rượu.
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-phai-cu-nhuc-moi-la-di-xoa-bop-185241205153442628.htm