Mặt hàng thiết yếu tăng giá nhẹ
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một số chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, một số mặt hàng có xu hướng tăng trước thềm cải cách tiền lương. Tại chợ dân sinh khu vực Mễ Trì Thượng (Hà Nội) sáng ngày 22.6, giá cả các mặt hàng thiết yếu như rau củ tươi, thịt lợn, thịt gà, trứng… tăng nhẹ.
Theo khảo sát, giá rau củ tăng nhẹ từ 2.000-3.000 đồng/kg. Rau cải chíp tăng từ 28.000 đồng lên 30.000 đồng/kg. Bắp cải 16.000 đồng/kg, mồng tơi tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ, rau muống 13.000 đồng/mớ,… Trứng gà ta, trứng vịt tăng lên 3,3 nghìn đồng/quả. Các loại cá trắm đen, cá quả có giá 100.000 đồng/kg…
Giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tại các siêu thị không có nhiều biến động. Tại Winmart, các sản phẩm thịt heo có giá bán trong khoảng 108.720 – 165.522 đồng/kg. Thịt ba rọi heo đang bán với giá 165.522 đồng/kg, thịt heo xay loại 1 là 118.322 đồng/kg, nạc vai heo là 123.120 đồng/kg và nạc dăm heo là 149.520 đồng/kg…
Trao đổi với PV Báo Lao Động, một tiểu thương tại chợ Mễ Trì Thượng (Hà Nội) cho biết: “Một số loại rau củ tăng giá nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thất thường, mưa kèm nắng nóng nên rau không ngon, khó bảo quản. Ngoài ra sắp tới có đợt tăng lương nên các đầu mối sỉ cũng rục rịch tăng giá. Giá nhập từ nguồn sỉ tăng nên những tiểu thương bán ở chợ như tôi cũng phải bán nhích lên để có lãi”.
Phập phồng lo giá cả “chạy đua” theo tiền lương
Đợt cải cách tiền lương ngày 1.7 tới đây được nhiều công chức, viên chức, người lao động mong chờ vì mức lương có thể tăng tới 30%, nâng cao thu nhập và mức sống. Tuy nhiên, niềm vui này không trọn vẹn bởi nỗi lo giá cả hàng hóa cũng sẽ “nối gót” tăng theo tiền lương.
Cô Ngô Thị Lê – giáo viên Trường THCS Thị trấn Núi Đối (Hải Phòng) cho biết khi nghe tin giáo viên thuộc nhóm được tăng lương cao so với mặt bằng chung các nghề nghiệp khác, đã rất vui mừng và hy vọng sẽ sống được bằng lương để tập trung thời gian, tâm trí với nghề. Tuy nhiên, song song với niềm vui được tăng lương, cô Lê cũng lo ngại vì những năm trước, mỗi lần có đợt tăng lương lại xuất hiện tình trạng giá cả hàng hóa tăng theo.
“Nếu giá cả hàng hóa thị trường tăng quá cao theo tiền lương thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo lại gặp khó khăn. Vì dù tăng lương nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng giá của hàng hóa. Việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối, nhất là với mặt hàng thiết yếu” – cô Lê chia sẻ.
Là lao động tự do, không nằm trong các đối tượng được tăng lương nên chị Vũ Thị Thủy (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) vô cùng lo lắng vì lo ngại các khoản chi phí sinh hoạt của gia đình bị đội lên khi lương tăng.
“Gần đây, một số mặt hàng thiết yếu ở chợ đã rục rịch tăng. Những người được tăng lương thì không nói, nhưng những người làm nghề tự do hay công nhân như tôi không có thêm khoản thu nhập sẽ gặp khó khăn vì phải bù vào chi phí hàng hóa tăng. Chính vì vậy, tôi mong rằng các cơ quan Nhà nước sẽ có những biện pháp quyết liệt để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng bão giá” – chị Thủy nói.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm viễn thông, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đáng chú ý là nhóm giáo dục tăng 8,7%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%.
Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; “không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương”.
Nguồn: https://laodong.vn/thi-truong/nguoi-lao-dong-lo-ngai-gia-hang-hoa-chay-dua-voi-tien-luong-1355841.ldo