Bệnh nhân tải ứng dựng “Bác sĩ của mọi nhà” vào điện thoại, mọi diễn biến bệnh tật, đơn thuốc, thắc mắc sẽ được chuyên gia giải đáp, giúp giảm chi phí.
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo kết quả triển khai chương trình khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm Bác sĩ của mọi nhà, ngày 20/7.
Ứng dụng Bác sĩ cho mọi nhà là một sáng kiến khám chữa bệnh từ xa được Bộ Y tế phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP triển khai từ năm 2020. Người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh có thể nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời từ Trạm y tế xã với sự tư vấn của bác sĩ tuyến trên thông qua kết nối trực tuyến sử dụng ứng dụng này. Cách tiếp cận này làm giảm chi phí cho người bệnh khi được chăm sóc y tế từ xa và nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại trạm y tế xã.
Như trường hợp của ông Hoàng ở Đăk Lăk, bị tăng huyết áp và đang sử dụng phần mềm này để theo dõi bệnh. “Tôi bị tăng huyết áp đã lâu, vậy trước khi uống rượu tôi có phải uống thêm thuốc huyết áp không?”, ông Hoàng đặt câu hỏi trên ứng dụng mà không cần đến trạm y tế.
Nhận được câu hỏi này, bác sĩ Hồ Hữu Hải, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Tiến, giải đáp: “Bác uống thuốc điều trị tăng huyết áp trước khi uống rượu bia như vậy là chưa phù hợp, làm bệnh nặng thêm và có thể gây tai biến nếu huyết áp tăng cao sau uống rượu bia quá nhiều”.
Ông Hoàng là một trong gần 1.300 người dân xã Hòa Tiến được tư vấn khám sức khỏe nhờ cài đặt và sử dụng phần mềm này.
Theo Bộ Y tế, chương trình đã thực hiện qua hai giai đoạn gồm phát triển phần mềm và thử nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn từ năm 2021 đến năm 2022. Giai đoạn 2 được thực hiện tại 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk và Cà Mau. Hiện, phần mềm đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại 5 tỉnh, tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế.
Sáng kiến y tế từ xa này đã nhận được sự ủng hộ từ các cán bộ y tế, với 4.900 cán bộ ở cấp tỉnh, huyện và xã được đào tạo để sử dụng ứng dụng Bác sĩ cho mọi nhà hiệu quả. 755.000 tài khoản cho người dân đã được tạo, khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám đã đặt thông qua hệ thống này tính tới tháng 6.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết ứng dụng Bác sĩ cho mọi nhà là cầu nối giữa cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đơn vị y tế tuyến huyện và các tuyến trên, giúp việc tư vấn, hướng dẫn điều trị hiệu quả. Chương trình có tính năng cuộc gọi truyền hình, hỗ trợ thực hiện các cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chuyên môn.
“Mọi diễn biến bệnh tật, đơn thuốc, bác sĩ điều trị của bệnh nhân đều được cập nhật và lưu trữ điện tử, nếu có lịch hẹn tái khám thì phần mềm tự động nhắc nhở. Từ đó, việc chăm sóc sức khỏe không bị gián đoạn”, ông Khoa nói, thêm rằng thầy thuốc y tế tuyến xã, huyện có cơ hội kết nối, nâng cao kiến thức nhờ chia sẻ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, thu hẹp khoảng cách giữa bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng bàn luận về những khó khăn khi triển khai chương trình này. Đơn cử, quy định về thanh toán BHYT cho các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa còn thiếu nên không có cơ sở pháp lý để chi trả tiền khám cho trạm y tế và tiền công hội chẩn, trực chuyên môn của bác sĩ bệnh viện tuyến trên.
Ngoài ra, quy trình khám, chữa bệnh từ xa khác so với khám trực tiếp, nhân viên y tế phải thao tác trên các thiết bị và phần mềm công nghệ thông tin nhưng hiện chưa có các chuẩn năng lực chuyên môn và công nghệ thông tin với người hành nghề khám, chữa bệnh từ xa.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định trong năm 2023. Theo đó, nội dung khám, chữa bệnh từ xa (trong Điều 80) sẽ được quy định cụ thể, chi tiết hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, người hành nghề và đặc biệt là người bệnh được hưởng lợi từ hoạt động này.
Lê Nga