Ngày 27/12, Israel đã đồng ý “về nguyên tắc” cho phép Cộng hoà Cyprus, với sự hỗ trợ của Anh, mở hành lang nhân đạo trên biển tới Dải Gaza, khi nạn đói và chiến tranh khiến dân số ở khu vực này đang ở trong tình trạng “nguy hiểm nghiêm trọng”.
Thiếu thốn lương thực, thuốc men, hàng ngày phải hứng chịu các cuộc giao tranh mà không biết lúc nào sẽ phải mất đi người thân là những gì mà người dân ở Dải Gaza đang phải đối mặt do xung đột Israel-Hamas. (Nguồn: Eyes on Palestine) |
Tờ Hayom của Israel ngày 27/12 đưa tin, thông qua hành lang trên, các vật tư và thiết bị sẽ được đưa thêm vào vùng đất bị phong tỏa của người Palestine, nơi cho đến nay chỉ dựa vào cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập và gần đây là cửa khẩu Karem Abu Salem (Kerem Shalom) với Israel.
Ngoại trưởng Israel Eli Cohen đã thông báo về quyết định này tới những người đồng cấp ở Cộng hoà Cyprus và Anh, lưu ý rằng, hành lang trên có thể bắt đầu hoạt động “sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết”.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện “các biện pháp khẩn cấp để giảm bớt mối nguy hiểm nghiêm trọng mà người dân ở Dải Gaza phải đối mặt”.
Ông Tedros nêu rõ, có đến 21 trong số 36 bệnh viện ở Dải Gaza không còn hoạt động, trong khi nhu cầu thực phẩm tiếp tục là vấn đề cấp bách trên khắp Dải Gaza và người dân đã yêu cầu các đoàn xe dừng lại để tìm kiếm thức ăn.
Bên cạnh đó, khả năng cung cấp thuốc, vật tư y tế và nhiên liệu cho bệnh viện của WHO đang ngày càng bị hạn chế bởi nạn đói và tâm lý tuyệt vọng của người dân
Theo Tổng giám đốc WHO, sự an toàn của đội ngũ nhân viên cứu trợ nhân đạo và khả năng duy trì hoạt động hỗ trợ liên tục phụ thuộc vào việc có nhiều thực phẩm hơn được chuyển đến toàn bộ Dải Gaza ngay lập tức.
Ông Tedros nhấn mạnh: “Nghị quyết mới được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua mang lại hy vọng cải thiện công tác phân phối viện trợ nhân đạo ở Gaza. Tuy nhiên, dựa trên lời kể của các nhân chứng tại hiện trường, nghị quyết này vẫn chưa đạt được hiệu quả cao”.
Người đứng đầu WHO nói rõ: “Điều chúng tôi cần ngay bây giờ là lệnh ngừng bắn để tránh cho dân thường khỏi bạo lực và bắt đầu con đường dài hướng tới tái thiết và hòa bình”.
Trong diễn biến khác liên quan khu vực, cũng trong ngày 27/12, các quan chức y tế Palestine cho biết, Israel đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công khu vực gần thị trấn Tulkarem ở Bờ Tây, khiến 6 người thiệt mạng.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận đã sử dụng UAV và huy động quân đội đột kích trại tị nạn Nur Shams ở Bờ Tây, bắt giữ 3 nghi phạm người Palestine đang bị truy nã và thu giữ nhiều vũ khí. Một số tay súng Palestine đã ném chất nổ về phía IDF và 6 người Arab đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Gần đây, người dân Israel ở gần khu vực Tulkarem cho hay, họ đã nghe thấy âm thanh giống như đào bới dưới nền nhà, khiến IDF liên tục đột kích để tìm kiếm các đường hầm. Khu vực này đã trở thành mối lo ngại cao độ trước nguy cơ tái diễn kịch bản tấn công xuyên biên giới như hôm 7/10.
Trong các vụ đột kích, quân đội Israel đã thu giữ một số tên lửa tự chế và nhiều loại vũ khí khác.