Tầm soát ung thư sớm đã cứu sống hàng ngàn người mỗi năm, tầm soát ung thư sớm là cách giúp chẩn đoán ung thư ở giai đoạn đầu, khi đó có nhiều lựa chọn hơn và việc điều trị có nhiều khả năng thành công hơn.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ người thực hiện tầm soát ung thư chưa cao, cũng như có nhiều loại ung thư thực sự chưa tầm soát sớm được, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những định kiến, những rào cản vô hình tạo nên sự bất bình đẳng về sức khỏe trong tầm soát và phát hiện sớm ung thư.
Tầm soát giúp phát hiện ra ung thư ở giai đoạn sớm, thậm chí trước khi có triệu chứng. Khi mô bất thường hoặc ung thư được phát hiện sớm, việc điều trị hoặc chữa khỏi có thể dễ dàng hơn. Khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện, ung thư có thể đã phát triển và lan rộng, ảnh hưởng đến khả năng ung thư điều trị hoặc chữa lành.
Về lý thuyết, những người thuộc nhóm nguy cơ nên thực hiện tầm soát. Nhưng trong thực tế, không có nhiều người biết cách tầm soát ung thư, dẫn đến sự bất bình đẳng trong chẩn đoán, điều trị và kết quả đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Do đó phá vỡ các rào cản trong việc sàng lọc để mọi người đều được bình đẳng tiếp cận với phòng ngừa và chẩn đoán sớm ung thư là một việc làm cần thiết.
Tâm lý sợ hãi và kỳ thị về ung thư
Rào cản đầu tiên cần được đề cập đến là kỳ thị. Nhiều người sợ ung thư, do đó họ không nói về ung thư. Và nếu ung thư không được mọi người nhắc đến, thì rõ ràng nhận thức về ung thư sẽ thấp hơn. Các cuộc trò chuyện về bệnh ung thư thường chỉ xảy ra khi ai đó đã chết vì ung thư. Đó là những vấn đề thuộc về kiến thức và giáo dục. Mọi người được nghe những câu chuyện về ung thư khi đi đám tang. Họ chưa từng được nghe những câu chuyện tích cực về những người mắc bệnh ung thư hoặc những người đã mắc bệnh này và sống sót. Bởi vì những người quanh họ sẽ không nói về nó. Khi chúng ta sợ hãi một điều gì đó, đôi khi chúng ta mắc vào định kiến về nó.
Chẳng hạn như nhiều người tin rằng, ung thư do số phận, hoặc không thể chữa khỏi, họ có thể không coi việc chẩn đoán sớm là có lợi, cũng như không tích cực điều trị. Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tỷ lệ tầm soát thấp, tỉ lệ tử vong cao với thái độ tiêu cực về tầm soát ung thư và điều trị ung thư trên ung thư phổi và ruột.
Cảm giác ngại khi khám những vùng nhạy cảm
Bên cạnh đó, tầm soát ung thư vú, cổ tử cung và ung thư ruột đều liên quan đến vùng nhạy cảm trên cơ thể. Do giáo dục, hoặc niềm tin tôn giáo về chuẩn mực đạo đức phụ nữ, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ chưa quan hệ tình dục, nhiều người ngại không dám khám, không thoải mái hoặc khó chịu khi cho bác sĩ khám những bộ phận này. Bên cạnh đó, nguy cơ ung thư cổ tử cung có liên quan đến tiền sử tình dục của một người, nên việc được khám tầm soát ung thư cổ tử cung. Họ sợ nếu kết quả dương tính thì có thể đưa đến những bất hòa trong mối quan hệ với chồng hoặc người yêu hiện tại. Những rào cản tâm lý về đức hạnh, chuẩn mực đạo đức truyền thống của phụ nữ này phần nào đó hạn chế nhiều phụ nữ đi tầm soát ung thư.
Tâm lý ngại khám bệnh
Đa số người bệnh ở Việt Nam không đi khám tổng quát trong nhiều năm và chỉ đi khám khi không chịu nổi. Khi đó thì bệnh đã chuyển rất nặng, dẫn đến điều trị phức tạp, thời gian lẫn chi phí điều trị đội lên cao, và thậm chí tăng nguy cơ tử vong. Phát hiện chậm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tử vong cao vì ung thư cao ở Việt Nam. Tình trạng này không chỉ thấy ở ung thư mà còn được thấy ở nhiều bệnh khác. Nguyên nhân vì nhiều người có tâm lý sợ đi khám sẽ phát hiện ra bệnh, biết bệnh sẽ tốn tiền, và như thế họ sợ bác sĩ.
Tâm lý đau không chịu được mới đi khám bệnh cũng là một trong những căn nguyên khiến cho bệnh được phát hiện muộn và tiên lượng điều trị không tốt. (Ảnh minh họa) |
Một số khác không quan tâm đến sức khỏe, hoặc thấy mình không quan trọng nên chủ quan bỏ qua sức khỏe của mình. Tình trạng này thường thấy ở những người mẹ, người bà, hoặc những người trụ cột gia đình. Họ vốn quen hy sinh cho người khác, nên thường bỏ qua những lời mời đi khám sàng lọc với lý do họ mắc bận chăm sóc con cháu, làm việc nhà… và chưa thấy những dấu hiệu bất thường trên cơ thể (hoặc có mà họ chịu được và cố ý bỏ qua).
Điều kiện kinh tế, điều kiện sống
Những người sống ở những vùng sâu vùng xa, những người có điều kiện sống khó khăn không được biết đến lợi ích của tầm soát ung thư, không được tiếp cận đến tầm soát ung thư, cũng như có thể không đủ khả năng chi trả cho các xét nghiệm tầm soát ung thư, vì họ cần ưu tiên cho những khoản chi tiêu khác trong gánh nặng cơm áo gạo tiền của mình. Thậm chí nhiều người không dám bỏ 1 vài bữa đi làm để đi khám bệnh, vì vừa mất thu nhập vừa tốn tiền khám bệnh, hoặc nếu phát hiện có bệnh thì tốn thêm tiền thuốc nữa.
Phá bỏ những rào cản
Phần lớn những rào cản này nằm ở tâm lý, nên gốc rễ vấn đề thuộc về giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư, cũng như tầm quan trọng của tầm soát ung thư. Một khi mọi người hiểu rõ được ích lợi của tầm soát ung thư, họ sẽ sẵn sàng tham gia tầm soát. Bên cạnh đó, việc phổ cập kiến thức về ung thư sẽ khiến mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về ung thư, nhờ đó tăng thêm hiểu biết về ung thư.
Ngoài ra, cách tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ung thư cũng có thể xóa dần đi những ngượng ngùng do tâm lý cố gắng chuẩn mực đạo đức của phụ nữ khi tầm soát ung thư trên những bộ phận nhạy cảm. Trước đây, sinh nở và kế hoạch hóa gia đình là chủ đề nhạy cảm, nay nhờ tác dụng của tuyên truyền đã trở nên câu chuyện bình thường. Nếu ung thư cũng được tuyên truyền đúng mức trong cộng đồng, những rào cản tâm lý, sợ hãi và cấm kị về ung thư sẽ dần được gỡ bỏ.