Vài tuần qua, tại khu ổ chuột ở thủ đô Dhaka, Abdur Rahman hầu như đêm nào cũng chịu cảnh mất điện.
“Sau một ngày lao động vất vả, tôi muốn ngủ ngon để dưỡng sức. Nhưng bây giờ giấc ngủ bị gián đoạn vì quạt không chạy. Tôi tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, người đẫm mồ hôi”, Abdur Rahman, nói.
Anh suýt ngất khi đạp xích lô dưới cái nắng thiêu đốt ở thủ đô Dhaka ngày 8/6. “Không thể tiếp tục làm việc dưới thời tiết thế này”, Rahman nói.
Cuộc khủng hoảng điện khiến người dân Bangladesh thêm khốn khổ trong bối cảnh đất nước đang quay cuồng dưới đợt nắng nóng kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ. Đợt nắng nóng bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài sang đầu tháng 5 rồi dịu đi, sau đó tiếp tục vào cuối tháng trước.
Chính phủ đã đóng cửa hàng chục nghìn trường tiểu học và trung học trong tuần này, khi nhiệt độ tăng lên hơn 40 độ C ở Dhaka. Những thành phố khác như Rangpur ghi nhận nhiệt độ cao hơn 41 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1958.
Cục Khí tượng Bangladesh cho hay chưa từng chứng kiến đợt nắng nóng nào kéo dài lâu như năm nay từ khi đất nước giành độc lập năm 1971. Hồi đầu tuần, nhà máy điện lớn nhất Bangladesh ngừng hoạt động do chính phủ không thể nhập khẩu nguyên liệu, vì dự trữ ngoại hối giảm và đồng taka của Bangladesh mất giá 25% so với đồng USD.
4 năm trước, nhà thiết kế đồ họa Julfiqar Ali quyết định chuyển từ Dhaka tới Rangpur, miền bắc Bangladesh, để tránh chi phí sinh hoạt tăng vọt ở thủ đô, đồng thời tìm sự yên bình ở vùng quê yên ả.
“Tôi làm việc qua mạng, chủ yếu nhận đơn hàng từ Mỹ và châu Âu. Vì vậy, tôi làm việc ở đâu cũng được miễn có điện và Internet ổn định”, Ali nói. “Rangpur có cả hai, vì vậy, tôi đã ra quyết định rất nhanh”.
Tuy nhiên, vài tháng qua, điện ở Rangpur không ổn định khiến anh không kịp tiến độ nhiều dự án. “Điện thậm chí không duy trì nổi 2-3 tiếng. Khi điện cắt, rất lâu mới có lại. Nói chung chúng tôi chỉ có thể dùng điện 8-9 tiếng mỗi ngày. Tôi không thể làm việc trong tình hình này”, Ali nói.
Giới chức Bangladesh cho hay khủng hoảng điện có thể nghiêm trọng hơn do khủng hoảng tài chính. Theo Ngân hàng Bangladesh, dự trữ ngoại hối của đất nước lần đầu xuống dưới 30 tỷ USD sau 7 năm. Năm ngoái, con số này là 46 tỷ USD.
Nhà máy điện Payra công suất 1.320 MW đã phải đóng cửa do thiếu than. Chính phủ đảm bảo nhà máy điện lớn nhất Bangladesh sẽ hoạt động lại vào cuối tháng này, nhưng một quan chức hàng đầu thuộc đơn vị vận hành, Công ty Phát điện Tây Bắc, cho hay “điều này rất khó xảy ra”.
Ít nhất 53 trong số 153 nhà máy điện của đất nước phải đóng cửa trong những tuần qua để bảo trì hoặc thiếu nhiên liệu vì thiếu USD, theo dữ liệu của Công ty Điện lực Quốc gia Bangladesh.
Dữ liệu cho thấy 49 nhà máy đang hoạt động hết công suất, trong khi 51 nhà máy còn lại đang hoạt động ở mức một nửa công suất vì thiếu nhiên liệu. Kết quả, quốc gia Nam Á 170 triệu dân đối mặt với tình trạng giảm phụ tải chưa từng có khoảng 2.500 MW, tương đương sản lượng điện của đất nước cuối những năm 1990.
Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed ngày 6/6 bày tỏ thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người dân do cắt điện, cho hay đợt nắng nóng làm tình hình nghiêm trọng hơn. “Ai có thể ngờ được nhiệt độ lên tới 41 độ C? “, bà nói trong cuộc họp với đảng Liên đoàn Awami.
Bà Hasina, kiêm nhiệm Bộ trưởng Năng lượng và Điện lực Bangladesh, cho hay chính phủ đã ký thỏa thuận với Qatar và Oman để mua nhiên liệu và đã nhập khẩu thêm than. “Chúng ta phải tiết kiệm điện. Không chỉ một mình chúng ta khủng hoảng. Cả thế giới đang đối mặt khủng hoảng nhiên liệu vì xung đột Nga – Ukraine”, bà nói.
Các ngành công nghiệp ở Bangladesh, trong đó có ngành may mặc đóng góp hơn 80% tỷ trọng xuất khẩu của đất nước, bị ảnh hưởng nặng nề do cắt điện. Các chủ nhà máy cho biết cuộc khủng hoảng làm tăng chi phí sản xuất, buộc họ phải giảm sản lượng hoặc trì hoãn sản xuất.
Sazzad Hossain, chủ một cơ sở may mặc, cho hay máy móc trong xưởng nằm im hàng tiếng do thường xuyên cắt điện. “Khách hàng đã đề ra thời hạn giao hàng và nếu chúng tôi không hoàn thành đúng hạn, người mua sẽ không trả tiền”, ông nói.
Hossain cho hay buộc phải chọn giải pháp thay thế tốn kém hơn để kịp thời hạn giao hàng là thuê máy bay vận chuyển. “Làm thế này không còn đồng lãi nào, thậm chí lỗ. Về cơ bản, điều đó sẽ hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu của đất nước và càng làm cuộc khủng hoảng đồng USD thêm nghiêm trọng”, ông nói.
Shamsul Alam, cố vấn năng lượng của Hiệp hội Người tiêu dùng Bangladesh (CAB), cho hay khủng hoảng điện không thể giải quyết trong một sớm một chiều. “Chính phủ nói suốt một năm qua nhưng thực tế tình hình chỉ nghiêm trọng hơn”, ông nói.
Alam đánh giá khủng hoảng điện không chỉ do cuộc chiến Ukraine mà còn do bất cập trong chính sách năng lượng của chính phủ. “Chúng ta đã bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ khi sản xuất điện phụ thuộc lớn vào khí đốt”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh ít nhất 52% điện năng của đất nước là điện sản xuất bằng cách sử dụng khí đốt.
“Trữ lượng khí tại các mỏ đang giảm và chính phủ, thay vì tập trung vào thăm dò mỏ khí mới, đã chọn cách nhập khẩu khí LNG tốn kém”, ông nhận định. Alam cho hay phụ thuộc vào LNG rất nguy hiểm bởi các sự kiện như chiến sự có thể ảnh hưởng thị trường, đẩy giá tăng vọt.
“Chính phủ nên chọn phát triển nhiều nguồn năng lượng để giảm phụ thuộc vào một loại nguyên liệu”, ông nói.
Trong khi đó, tại Rangpur, nhà thiết kế đồ họa Ali vẫn không có điện. “Cắt điện không chỉ ảnh hưởng tới công việc mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi. Vì trời quá nóng, tôi mệt mỏi cả ngày, cũng không thể hạ nhiệt bằng cách bật quạt”, anh nói.
Hồng Hạnh (Theo Al Jazzeera)