Ngủ ngáy kèm theo ngưng thở khiến người bệnh mất ngủ, ban ngày mệt mỏi, đau đầu, suy giảm trí nhớ, lâu dài có thể dẫn đến trầm cảm nếu không điều trị.
Thông tin trên được TTƯT.PGS.TS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ tại chương trình tư vấn trực tuyến: “Ngủ ngáy: Chẩn đoán, điều trị bằng kỹ thuật hiện đại” do BVĐK Tâm Anh tổ chức.
PGS Hạnh nhấn mạnh ngủ ngáy kèm ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) được xem là “sát thủ thầm lặng”. Các cơn ngừng thở khiến người bệnh đột ngột thức giấc nhiều lần, gây mất ngủ, mệt mỏi khi thức dậy, đau đầu, mất tập trung, giảm trí nhớ, suy giảm khả năng tình dục. Từ đó, người bệnh dễ bị căng thẳng, rối loạn cảm xúc.
PGS Hạnh cho biết đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp căng thẳng kéo dài do ngưng thở khi ngủ dẫn tới trầm cảm. Càng stress, người bệnh càng có xu hướng tìm tới rượu bia và thuốc lá, vô tình làm nặng thêm ngừng thở khi ngủ, tạo ra vòng xoắn bệnh lý. Do đó, người bệnh cần phát hiện, điều trị nguyên nhân gốc rễ là ngưng thở khi ngủ để tránh kéo theo các hệ lụy khác của bệnh.
Theo bác sĩ Phùng Thị Thơm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đo đa ký giấc ngủ là “phương pháp vàng” để chẩn đoán nguyên nhân ngủ ngáy, đặc biệt là phát hiện tình trạng ngưng thở khi ngủ. Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, máy đo đa ký giấc ngủ có 41 kênh đo toàn diện, bao gồm đo điện não, điện tim, điện cơ, oxy máu, lưu lượng khí qua mũi, cử động của ngực, bụng, chân, nhờ đó cung cấp đầy đủ dữ liệu giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác ngưng thở khi ngủ.
Ngủ ngáy có thể hết gần như 100% nếu điều trị bằng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) dưới sự theo dõi, hướng dẫn của bác sĩ. Thiết bị này duy trì áp suất dương không đổi ở đường hô hấp trên thông qua một mặt nạ nhỏ áp vào mũi hoặc mũi và miệng. Bằng cách tăng kích thước của đường hô hấp trên, CPAP giúp ngăn ngừa hẹp hoặc xẹp đường hô hấp trên gây ngáy ngủ.
ThS.BS Dương Đình Lương, khoa Tai mũi họng, BVĐK Tâm Anh cho biết, một số trường hợp bệnh nhân không dung nạp với máy thở hoặc có các bất thường vùng mũi họng như phì đại amidan, lệch vách ngăn mũi, màn hầu thấp, khe họng hẹp, bất thường giải phẫu vùng hàm mặt ở trẻ có dị tật bẩm sinh,… thì cần phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện Plasma; nạo VA bằng hệ thống Coblator; tạo hình vùng hầu họng, lưỡi gà với sự hỗ trợ của Coblator và tia laser (LAUP)… đang được thực hiện thường quy tại BVĐK Tâm Anh, giúp điều trị khỏi ngủ ngáy trong những trường hợp này.
Ngủ ngáy là âm thanh phát ra trong khi ngủ do sự rung động của các mô mềm ở vòm họng. Âm thanh dao động từ rất nhỏ cho đến tiếng ồn đủ lớn để ảnh hưởng người xung quanh. Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Đặc biệt, người lớn tuổi; béo phì; có sử dụng rượu hoặc thuốc an thần; nghẹt mũi mạn tính hoặc tắc nghẽn; hàm nhỏ; có các cấu trúc bất thường về đường mũi họng như amidan lớn, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, lưỡi to, vòm khẩu cái mềm mở rộng, hẹp hầu bên,… có nguy cơ cao bị ngủ ngáy.
Bác sĩ Thơm cho biết, khoảng 75% người ngủ ngáy có ngừng thở khi ngủ, nhưng chỉ khoảng 9-10% trong số đó được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ lý giải do tiếng ngáy không dự báo được tình trạng ngưng thở khi ngủ nên dễ khiến người bệnh chủ quan. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh không được nhận biết sớm cho đến khi tiếng thở hoặc tiếng ngáy bất thường khiến người ngủ cạnh chú ý. Nhiều triệu chứng OSA có thể do các vấn đề sức khỏe khác gây ra như bệnh lý tai mũi họng, dị hình cấu trúc vùng mũi họng… Vì vậy, tình trạng này không thể được chẩn đoán nếu chỉ dựa vào các triệu chứng.
Mai Hoài