Baoquocte.vn. Giữa sóng gió trùng khơi đậm đà hương vị biển, chùa Sinh Tồn thanh tịnh và bình yên nằm bên nơi sinh sống của người dân và trường học ở xã đảo.
Bất cứ ai đến với quần đảo Trường Sa hôm nay đều có thể cảm nhận được sự bình yên giống như những làng quê ở đất liền.
Giữa biển khơi mênh mông sóng vỗ, bên cạnh những nếp nhà, những hàng cây xanh rợp bóng, lại nổi bật giữa nắng gió và biển xanh là mái chùa cong cong pha màu ngói đỏ tươi hoà lẫn với không gian tĩnh lặng, như tiếp thêm sức sống mãnh liệt, trường tồn cho đảo xanh nơi đầu sóng.
Kiến trúc thuần Việt của chùa Sinh Tồn. (Ảnh: ĐN) |
Như thói quen thường ngày, sáng nào cũng vậy, sau khi lau chùi sạch bóng và lên nhang hết các ban thờ cúng, thầy Văn Trách – Pháp danh Thích Quy Thái, sư trụ trì chùa Sinh Tồn – lại đến gần chiếc chuông đồng cổ treo ở bên trái nhà chùa, cầm thanh gỗ tròn dài, đánh từng điệu nhẹ nhàng nhưng dứt khoát vào chuông.
Tiếng chuông chùa ngân vang thánh thót từng hồi dài, vang vọng vào không gian của xã đảo và tan vào sóng nước, biển khơi ngoài xa.
Trong cảm xúc dâng đầy, mặc trên mình bộ áo vàng của nhà tu hành, thầy Thích Quy Thái bồi hồi kể: “Trước khi ra Trường Sa nhận nhiệm vụ phật sự ở chùa Sinh Tồn, tôi cũng khá hồi hộp. Thế nhưng, ngay lần đầu tiên bước chân lên đảo Sinh Tồn và gặp ngôi chùa, tôi như thấy nơi đây đã rất gần gũi, thân quen, như mình đã từng đến hồi nào rồi vậy”.
Vừa nhặt những chiếc lá bàng vuông bị cơn gió nhẹ làm rơi xuống sân chùa, Thầy Thích Quy Thái nói: “Tôi thấy mình rất vinh dự và tự hào khi được công tác phật sự tại chùa Sinh Tồn, nơi hải đảo xa xôi, nơi tuyến đầu của Tổ quốc”.
Theo thầy Thích Quy Thái, ngôi chùa linh thiêng này là nơi duy nhất ở quần đảo Trường Sa đặt tấm bia tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma cảm tử năm 1988. Với người mang trên vai nhiệm vụ phật sự như ông, đó là một điều đặc biệt.
Vào ngày 14/3 hằng năm, nhà chùa cùng với cán bộ chiến sĩ và bà con nhân dân ở Sinh Tồn luôn tổ chức lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, nhà chùa càng thấy trọng trách xây dựng, bảo vệ chùa Sinh Tồn thêm phần nghĩa trọng.
Chùa Sinh Tồn được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái chùa cong. Cũng giống như các ngôi chùa khác trên quần đảo Trường Sa, chính điện chùa Sinh Tồn hướng về Thủ đô Hà Nội với ý nghĩa thiêng liêng hướng về trung tâm đất nước, hướng về trái tim của cả nước…
Chị Lữ Kim Cúc, một người dân ở xã Sinh Tồn, chia sẻ: “Vào ngày mùng 1 và Rằm hằng tháng, chúng tôi đều đến đây lễ chùa. Ngoài ra, vào những ngày đầu năm Dương lịch hoặc Tết Âm lịch, chúng tôi cũng đến chùa thắp nhang và cầu cho gia đình mạnh khoẻ, cầu cho các chiến sĩ, hộ dân trên đảo và người dân đi đánh bắt cá trên biển an toàn”.
Chị Cúc cho biết: “Chùa Sinh Tồn còn là điểm tựa của ngư dân, họ cũng thường ghé qua đây cầu cho chuyến đi biển an toàn, thuận lợi, cung cấp nguồn cá tươi cho đảo và đất liền.
Ngoài cầu an, chúng tôi còn thắp nhang để tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh và cả những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương, mang lại chúng tôi có cuộc sống bình yên nơi đảo xa này”.
Theo chị, cuối tuần nào, các chị em phụ nữ trên đảo cũng dành một ngày để vệ sinh, quét dọn toàn bộ khuôn viên trong, ngoài ngôi chùa, với mong muốn góp một chút công sức nhỏ bé để xây dựng, bảo vệ nơi văn hoá Việt linh thiêng nơi đây.
Trung sĩ Đỗ Thành Long, Khẩu đội trưởng, quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi ra công tác ở đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa từ tháng 1/2001.
Anh tâm sự: “Tôi thường xuyên đến chùa Sinh Tồn vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết… Mỗi lần đến chùa, tôi thường vãn cảnh, thắp hương và đặc biệt là gửi gắm, tâm sự, cầu nguyện cho gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội… đươc bình an, dồi dào sức khỏe, thời tiết mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng…”.
Trung sĩ Đỗ Thành Long chia sẻ thêm: “Được làm nhiệm vụ ở đảo thiêng liêng, nơi ngôi chùa có tấm bia tượng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma tọa lạc, bản thân tôi thấy thật vinh dự, tự hào và biết ơn cha anh đi trước đã hy sinh máu xương để gìn giữ giang sơn bờ cõi, để có được đất nước hoà bình như ngày hôm nay.
Tôi tự nhủ lòng mình phải quyết tâm, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị của Đảng, nâng cao lòng yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam chính là yêu quê hương, yêu biển đảo… Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi có ngôi chùa Sinh Tồn linh thiêng, yêu dấu”.
Chùa Sinh Tồn không chỉ là một công trình kiến trúc văn hóa thuần Việt, mà còn là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để người dân nơi đảo xa ngưỡng vọng, hướng tâm về Đức Phật. (Ảnh: NVCC) |
Trong khuôn viên chùa Sinh Tồn, nổi bật giữa mái ngói cong đỏ tươi là màu xanh mát của những cây phong ba, loại cây đặc trưng của quần đảo Trường Sa, loài cây vẫn đứng hiên ngang, vươn mình mạnh mẽ trước sóng gió khắc nghiệt.
Giữa biển trời mênh mông, thi thoảng tiếng chuông chùa lại ngân lên từng nhịp dài, thánh thót rồi lan toả vào không trung, vào biển cả, như điểm tựa tâm linh giúp tinh thần mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây thêm vững vàng, cùng bảo vệ biển trời của Tổ quốc.