Giữa bối cảnh kinh tế – chính trị toàn cầu biến động phức tạp dẫn đến những thách thức không hề nhỏ, ngoại giao cây tre Việt Nam đã thể hiện những bản sắc riêng giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Bối cảnh kinh tế phục hồi hậu Covid-19, xung đột Ukraine, cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nổi lên nhiều biến động… là những vấn đề xuyên suốt trong những năm qua và liên tục tạo ra nhiều thách thức.
Đối tác quan trọng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Trong bối cảnh đó, nhận xét về vị thế của Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà nhiều quốc gia muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, phát triển, an ninh và ngoại giao. Việt Nam tiếp tục được coi là một nền kinh tế quan trọng để đầu tư. Các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc cung cấp vốn ODA và FDI cho Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa có chọn lọc việc chuyển dịch chuỗi cung ứng”.
Thực tế như vậy! Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam vừa qua, khi gặp gỡ 300 người đại diện cộng đồng người Hàn Quốc đã và đang sống, làm việc tại Việt Nam, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng với Hàn Quốc trong việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng.
Không riêng gì với Hàn Quốc, GS Nagy dẫn chứng thêm: “Chúng ta đã chứng kiến hình ảnh các nước G7 hoan nghênh lãnh đạo Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Hiroshima (Nhật Bản) để phát triển đời sống hợp tác trong các lĩnh vực phát triển giữa các bên. Chúng ta cũng đang chứng kiến Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và các quan hệ đối tác khác dựa trên nguyên tắc 4 không của Việt Nam”.
Bản sắc ngoại giao
Lâu nay, nói đến ngoại giao cây tre, nhiều ý kiến đã đánh đồng đó là khuôn mẫu của chính sách mà nước khác từng theo đuổi và có một số ý kiến cho rằng đó là sự “nghiêng ngả” kiểu “nay bên này, mai bên kia”. Nhưng đó là đánh giá không đúng bản chất, cơ sở của ngoại giao cây tre Việt Nam, vốn cần nhìn thấy được bản sắc của cây tre là giữa những cơn gió lớn, thậm chí cuồng phong bão tố, thì cây tre vẫn vững chãi, thể hiện sức sống mạnh mẽ.
Về bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, định hướng là: “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”. Theo đó, “gốc vững” là sự tự lực, tự cường, luôn đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên. “Thân chắc” là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn; sẵn sàng là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. “Cành uyển chuyển” là cách ứng xử linh hoạt, kịp thời thích nghi với sự biến động, thách thức.
Không để bị phụ thuộc
Việt Nam đang được quốc tế chú ý nhiều hơn nhờ vị trí địa chiến lược ở Đông Nam Á. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và bây giờ là Hàn Quốc (đang tích cực tăng cường ảnh hưởng vào Đông Nam Á theo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới) cùng nhiều quốc gia khác đang tiếp cận Việt Nam. Một số phương tiện truyền thông lập luận rằng Việt Nam sẽ nghiêng về phía này phía kia, nhưng thực tế lập trường của Việt Nam không thay đổi, tập trung phòng ngừa về rủi ro bị phụ thuộc vào một cường quốc cụ thể. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã tham gia ngoại giao tích cực dựa theo lập trường truyền thống để hạn chế ảnh hưởng của sự cạnh tranh giữa các nước lớn.
PGS Kei Koga
(Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công – Trường Khoa học xã hội – Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)
Bản sắc này dựa trên nền tảng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại. Cụ thể là: Phải độc lập, tự chủ trong đối ngoại và hợp tác quốc tế; Luôn có tinh thần hòa hiếu, “thêm bạn, bớt thù”; Xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Nhất quán phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại…
Xuyên suốt nhiều năm qua, đường lối đối ngoại của Việt Nam luôn nhất quán với Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời thường xuyên được bổ sung, hoàn chỉnh để phù hợp với diễn biến, xu thế toàn cầu. Việt Nam luôn hướng đến giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Trả lời Thanh Niên, GS Ryo Hinata-Yamaguchi (Đại học Tokyo, Nhật Bản) nhận xét: “Ngoại giao cây tre Việt Nam đã giúp Việt Nam tự bảo vệ đất nước trước các cường quốc trong khu vực và Việt Nam linh hoạt đạt được một số lợi ích quốc gia”.
Tất nhiên, mọi giai đoạn lịch sử đều đặt ra những thách thức mới, bao hàm cả những thách thức cho chính đường lối đối ngoại của Việt Nam. Như GS Ryo Hinata-Yamaguchi đề cập: “Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số tình huống khó xử cấp bách khi cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn ngày càng gia tăng”. Thách thức là vậy, nhưng chính đường lối ngoại giao của Việt Nam đã hàm chứa nền tảng để ứng phó thách thức vừa nêu và thực tế đã phát huy hiệu quả suốt nhiều năm qua.
Khẳng định vị thế
Nhất quán đường lối ngoại giao, Việt Nam đã khẳng định được sự đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Tháng 10.2022, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Khi đó, Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Ngày càng nâng cao vị thế quốc tế
Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao đa phương. Điều này được thể hiện cụ thể qua nhiều chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam thời gian gần đây đến Lào, đến Anh dự lễ đăng quang của Vua Charles III, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản. Đồng thời Việt Nam tiếp đón lãnh đạo nhiều nước đến thăm như Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Úc Anthony Albanese… Quan hệ Việt – Nga cũng đang phát triển tích cực thông qua các cuộc đối thoại cấp cao, đặc biệt nhấn mạnh đến các biện pháp mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại. Vì vậy, Việt Nam đã và đang cố gắng vươn ra trong nhiều định hướng chính sách đối ngoại trong khi vẫn giữ lợi ích kinh tế của quốc gia là một trong những ưu tiên. Việt Nam đã tham gia đối thoại chiến lược với nhiều đối tác quan trọng ở châu Âu và châu Á, do đó ngày càng nâng cao vị thế quốc tế.
PGS Ekaterina Koldunova
(Khoa Nghiên cứu châu Á – châu Phi, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow – MGIMO, Nga)
Nhận xét về kết quả trên khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (đang giảng dạy ở Đại học Hawaii – Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhấn mạnh việc tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đánh dấu tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề ở châu Á.
Đó là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ở lần đầu tiên tham gia (nhiệm kỳ 2014 – 2016), Việt Nam đã thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).
Tất cả khẳng định kết quả mà Việt Nam đạt được bằng bản sắc ngoại giao riêng, không thể gọi chung chung là ngoại giao cây tre, mà phải gọi chính xác là: Ngoại giao cây tre Việt Nam.