Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ông không bao giờ quên những năm tháng tuổi trẻ tại Romania, lưu nhớ từng gương mặt thầy cô và bạn bè tại đây.
Ngày 20-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân rời Hungary, lên đường đến Romania. Chuyến thăm đánh dấu sự trở lại Romania của Thủ tướng trên cương vị mới, nơi ông từng có nhiều năm gắn bó thời tuổi trẻ.
Thủ tướng luôn nhớ công lao thầy cô, bạn bè Romania
“Tôi rất vui mừng và xúc động trở lại Romania lần này và tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường, làm sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc, của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời tập đoàn truyền thông Clever Group của Romania trước thềm chuyến thăm.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ cá nhân ông “luôn lưu giữ những ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc về đất nước Romania tươi đẹp, con người Romania cần cù, thân thiện, mến khách và nghĩa tình”.
“Tôi không bao giờ quên những năm tháng tuổi trẻ học tập và thời gian công tác tại Romania, lưu nhớ những gương mặt, giọng nói, tiếng cười và hình ảnh rất đỗi thân thương của các thầy cô, bạn bè Romania. Chính họ đã góp phần quan trọng giúp những lưu học sinh chúng tôi có được những gì như ngày hôm nay”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Ông cũng nhấn mạnh ông và các cựu lưu học sinh, lưu học sinh Việt Nam luôn tri ân, ghi nhớ công lao của các thầy cô, bạn bè và nhân dân Romania đã dìu dắt, giúp đỡ trong thời gian học tập tại đây.
“Với kiến thức, chuyên môn được đào tạo tại Romania, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đồng thời đóng góp tích cực cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc”, Thủ tướng nói thêm.
5 bài học kinh nghiệm của Việt Nam
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời các câu hỏi về kinh nghiệm phát triển thành công của Việt Nam, các định hướng phát triển đất nước và đường lối đối ngoại.
Khi được hỏi về những bài học kinh nghiệm đã đưa Việt Nam “phát triển vượt bậc, thậm chí phi thường” như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng cho biết sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Quy mô nền kinh tế tăng hơn 53 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 28 lần. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ mức 60% vào đầu những năm 1990 xuống còn 2,93% năm 2023, Việt Nam đã hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với mạng lưới 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.
Những thành tựu qua trọng đạt được trên đây có nhiều nguyên nhân, Việt Nam cũng đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm.
Một, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hai, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển.
Ba, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Bốn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.
Năm, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Về đường hướng phát triển đất nước sắp tới, Thủ tướng cho biết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được những mục tiêu chiến lược nêu trên, Việt Nam tập trung xây dựng các yếu tố nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững – đó là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam cũng đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Về kinh tế, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi (như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen…).
Về văn hóa, xã hội, môi trường, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về quốc phòng, an ninh, Thủ tướng cho biết Việt Nam phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Về đối ngoại, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
“Thực tiễn những năm qua cho thấy, đây là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của Việt Nam, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”, Thủ tướng khẳng định.
Ngoại giao cây tre nâng tầm vị thế Việt Nam
Trả lời câu hỏi về mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, vai trò và vị thế của Việt Nam hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình.
Với tinh thần “gác lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai”, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại và trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Đạt được những thành tựu quan trọng nêu trên trước hết chính là nhờ có chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kế thừa, phát huy chủ nghĩa Marx – Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
“Chính sự vững chắc, uyển chuyển, linh hoạt trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, sự ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không” đã góp phần để Việt Nam có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn chung tay cùng các quốc gia, dân tộc, cộng đồng quốc tế gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, cùng nhau tạo dựng và thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng và chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Dư địa hợp tác Việt Nam – Romania còn rất lớn
Trả lời truyền thông Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam và Romania có quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác rất tốt đẹp trong gần 75 năm qua và tiếp tục mở rộng và phát triển tích cực.
Romania đã tích cực hỗ trợ quá trình Việt Nam và EU đàm phán, ký phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), là một trong hai quốc gia EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Trong giai đoạn dịch COVID-19, Romania cũng là nước EU đầu tiên hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam.
Với cơ hội, tiềm năng và dư địa hợp tác còn rất lớn, trên cơ sở quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có, Việt Nam mong muốn cùng Romania làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, củng cố tin cậy chính trị thông qua tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và khu vực.
Việt Nam cũng mong muốn có tiếp tục tạo đột phá về thương mại, đầu tư trở thành trụ cột trong quan hệ song phương.
Trong đó đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà Romania có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như giáo dục, văn hóa, xã hội, lao động, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, những ngành, lĩnh vực mới nổi…
Tuoitre.vn