Vo gạo là khâu không thể thiếu khi nấu cơm. Nhiều người tin rằng vo gạo trước khi nấu có thể làm giảm lượng tinh bột trong khi gạo. Điều này không hoàn toàn đúng. Vì khi vo gạo, nước vo sẽ có màu trắng đục. Nghiên cứu cho thấy đó là tinh bột tự do, hay còn gọi là amyloza, bám trên bề mặt hạt gạo. Lượng tinh bột này hình thành trong quá trình xay xát để tách vỏ trấu ra khỏi hạt gạo, theo trang tin The Conversation (Úc).
Một nghiên cứu của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Bắc Kinh (Trung Quốc) được công bố mới đây đã so sánh lợi ích của vo gạo sau khi nấu giữa 3 loại gạo là gạo nếp, gạo trắng hạt vừa và gạo thơm. Mỗi loại gạo đều được chia làm 3 nhóm, gồm không vo, vo 3 lần và vo 10 lần.
Nghiên cứu cho thấy dù có vo gạo hay không cũng không ảnh hưởng đến độ dính và dẻo của hạt cơm sau khi nấu chín. Vì độ dính và dẻo của hạt cơm không phụ thuộc vào tinh bột bề mặt mà là do một dạng tinh bột khác gọi là amylopectin. Chúng sẽ hình thành trong quá trình nấu.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu nhận thấy vo gạo nhiều lần cũng hết sức cần thiết. Vo gạo không chỉ giúp rửa trôi bụi bẩn, vỏ trấu còn sót lại mà còn cả côn trùng và nhiều tạp chất khác. Điều này đặc biệt quan trọng khi quá trình xay xát và xử lý gạo ở một số nơi không thực sự tỉ mỉ.
Không những vậy, vo gạo cũng giúp rửa trôi hiệu quả lượng hạt vi nhựa trong gạo. Nghiên cứu cho thấy bất kể loại bao bì nhựa nào thì cũng đều để lại một lượng hạt vi nhựa nhất định trong gạo. Vo gạo có thể giúp giảm đến 40% lượng hạt vi nhựa trong gạo.
Tuy nhiên, vo gạo sẽ không giảm được hàm lượng vi khuẩn trong gạo. Số vi khuẩn này sẽ được tiêu diệt trong quá trình nấu chín gạo, theo The Conversation.