Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – Phó trưởng Ban chỉ đạo và Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội thảo.
Tham dự có ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Ramla Al Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Miachael Siegner, đại diện Viện Hanns Seidel Foundation; cùng hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các tổ chức quốc tế, 25 tỉnh/thành khu vực miền Bắc, các Viện nghiên cứu, các chuyên gia và nhà khoa học.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI. Nghị quyết đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta. Sau 10 năm thực hiện, Ban cán sự đảng Bộ TN&MT được giao chủ trì, chuẩn bị trình Bộ Chính trị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Quá trình tổng kết đã được triển khai sâu rộng từ các Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương đến các Tỉnh ủy, Thành ủy ở các địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết: Nghị quyết 24 là căn cứ chính trị đặc biệt quan trọng, đưa ra các chủ trương đường lối của Đảng một cách toàn diện, đồng bộ trong các lĩnh vực theo 3 nhóm chủ đề: ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân đã rất tích cực thực hiện theo các chủ trương đường lối của Đảng đưa ra. Toàn bộ hệ thống chính trị với sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội và người dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách từng bước được hoàn thiện. Năng lực phòng chống thiên tai ứng phó BĐKH ngày càng được tăng cường. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn so với trước đây. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng hơn, góp phần giảm bớt mức độ gia tăng ô nhiễm.
Yêu cầu về phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên được đặc biệt quan tâm và còn được coi là yếu tố quan trọng khi được xem xét các chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như mỗi khi có thẩm quyền quyết định các dự án, quy hoạch. Thể chế chính sách được hoàn thiện một bước với những tư duy mới phù hợp với thông lệ quốc tế với xu thế của thời đại.
Bên cạnh các kết quả tích cực, việc triển khai nghị quyết còn nhiều hạn chế khiến nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bởi vậy, các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học cần đưa ra những ý kiến góp ý sâu sắc hơn về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước thay đổi rất nhanh, những quan điểm chỉ đạo của Đảng nào có thể kế thừa, quan điểm nào cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
“Bên cạnh việc trao đổi, thảo luận, góp ý cho kết quả tổng kết, đánh giá 10 năm, hội thảo còn là cơ hội để các đại biểu cho ý kiến, đề xuất về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, hoặc ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương với quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ trong giai đoạn đến 2030” – ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đã trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt Đề án tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW. Xung quanh các nội dung dự thảo, các đại biểu đã cùng cho ý kiến về tình hình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.
Nhấn mạnh giá trị của Nghị quyết về chủ động ứng phó BĐKH vẫn còn nguyên vẹn, PGS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, Nghị quyết thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam là thành viên trong cộng đồng quốc tế có trách nhiệm với thiên nhiên, nêu bật lên quan điểm: bảo tồn thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trừng chính là phát triển kinh tế, đảm bảo chất lượng cuộc sống của con người.
Trong thời gian tới, việc triển khai Nghị quyết cần tăng cường hướng tiếp cận từ dưới cơ sở lên và đưa ra các hành động cụ thể. Nhà nước cần có nhiều cơ chế khuyến khích cộng đồng phát huy nhiều hơn vai trò trong quản lý tài nguyên, thích ứng BĐKH; bổ sung thêm các nội dung về kinh tế tần hoàn; phát huy sức mạnh tổng hợp, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, thích ứng BĐKH.
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, năm 2023 đánh dấu nửa chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG. Nhìn lại để thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong thực hiện các mục tiêu liên quan đến giảm nghèo đói, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, nước sạch, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, theo báo cáo Đánh giá quốc gia tự quyết định của Việt Nam, một số SDG cần có thêm nhiều nỗ lực hơn để đạt mục tiêu vào năm 2030, đặc biệt là về các đô thị và cộng đồng bền vững, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, hành động khí hậu, tài nguyên và môi trường dưới nước và trên đất liền.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, quản lý tài nguyên, BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, đề nghị, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết. Trong đó, phân tích đầy đủ, toàn diện những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Thứ trưởng, quá trình tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW cần đề xuất được hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh, tình hình mới từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển đổi năng lượng công bằng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên thông qua mở rộng, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; đẩy mạnh tiếp cận thị trường và các công cụ kinh tế để có thể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, công bằng…
Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên qua tổ chức 2 hội thảo tham vấn tại khu vực miền Trung và miền Nam, cùng 3 hội thảo chuyên đề trong thời gian tới.