Bình PhướcHệ thống hạ tầng là điểm nghẽn quan trọng cần khơi thông đầu tiên để tạo ra đột phá phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Thông tin được ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đưa ra trong Hội thảo khoa học các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với việc triển khai nghị quyết số 24, diễn ra tại TP Đồng Xoài chiều 18/10.
Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức với sự tham gia của hơn 500 chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh thành trong vùng và đại biểu tham gia.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá Nghị quyết số 24 là chìa khóa, động lực mới để vùng Đông Nam Bộ phát triển trong thời gian tới. Sáu kết nối trọng tâm trong hợp tác phát triển vùng bao gồm kết nối hạ tầng phát triển vùng, thể chế phát triển vùng, thị trường và doanh nghiệp, nguồn nhân lực và tri thức…
Trong đó, ông Thắng nhận định hệ thống hạ tầng là điểm nghẽn quan trọng cần khơi thông đầu tiên để tạo ra đột phá phát triển vùng Đông Nam Bộ. Ông đề nghị các địa phương hết sức chú trọng tăng cường đầu tư phát triển, củng cố hạ tầng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Đây là những thách thức rất lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của vùng, đòi hỏi các địa phương phải phối hợp, chia sẻ nguồn lực, có sự hỗ trợ của trung ương trong xây dựng, triển khai đồng bộ và có tính hệ thống các dự án hạ tầng, đặc biệt những dự án liên quan đến nhiều địa phương khác nhau”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết sau một năm thực hiện nghị quyết số 24, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, Bình Phước đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) phục hồi tích cực và tăng cao, ước đạt 7,36%. GRDP của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 4,24%, cao nhất vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 17 của cả nước. Sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hiệu quả cao và lần đầu lọt top 10 của cả nước.
Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, tổng diện tích hơn 23.560 km2, dân số khoảng 18,7 triệu người (năm 2021). Đây là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước khi đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hằng năm và 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Văn Trăm – Phước Tuấn