PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về sự tham gia của các tôn giáo vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua?
PGS.TS. Chu Văn Tuấn: Hiện nay, Việt Nam có 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân với khoảng 27 triệu tín đồ, phân bố trên mọi miền đất nước. Có thể nhận định, các tôn giáo đều sẵn sàng, đồng thuận với chủ trương bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH của Đảng và Nhà nước. Ngay trong giáo lý, kinh điển của nhiều tôn giáo đều có những nội dung liên quan đến môi trường, mối quan hệ giữa con người với môi trường, trách nhiệm của con người với môi trường. Nhiều tôn giáo đã quy định trong hiến chương, luật lệ của mình những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.
Trong những năm trở lại đây, Chương trình “Phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo là chương trình chính thức, quy mô đầu tiên về vấn đề này. Nếu trước kia, các tôn giáo chỉ làm theo các quy định trong giáo lý, giáo luật, chứ chưa có quan điểm rõ ràng thì nay, hành động ký kết đồng ý tham gia Chương trình đã giúp các tổ chức tôn giáo có ý thức cao hơn về vai trò của mình đối với công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Các tôn giáo đã tích cực truyền tải nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong mỗi buổi thuyết giảng giáo lý cho tín đồ và phổ biến cho người dân. Đồng thời, mỗi tôn giáo lại đưa ra các hành động cụ thể như phổ biến các mô hình thu gom rác hợp vệ sinh, cấm đốt vàng mã, lựa chọn các loài phóng sinh không gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái, hướng dẫn các thói quen tốt không gây hại cho môi trường…
Các tín đồ, chức sắc, nhà tu hành không chỉ góp phần lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường trong cộng đồng tôn giáo mình mà còn có sự kết nối với những tôn giáo khác. Từ đó, tạo ra tác động rộng lớn hơn, làm phong phú hơn các hoạt động bảo vệ môi trường tại chính địa bàn có tôn giáo đang hoạt động. Ví dụ như cùng dọn rác tại những nơi công cộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới…
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo
PV: Những việc làm này sẽ giúp ích cho các tín đồ như thế nào trên con đường tu tập, thưa ông?
PGS.TS. Chu Văn Tuấn: Tôn giáo nào cũng thiện, hướng đến sự an lành, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Giáo lý của một số tôn giáo cho rằng, thế giới này là sản phẩm của Chúa ban cho con người và con người phải trân trọng, phải yêu quý tất cả mọi thứ. Phật giáo khuyên răn con người không nên sát hại chúng sinh, không tàn phá muôn loài bao gồm cả cây cỏ… Nhiều tôn giáo coi môi trường như cơ thể con người và cổ vũ con người sống thuận với tự nhiên.
Trước những nguy cơ ô nhiễm, biến đổi khí hậu có thể gây bất công xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống, các tôn giáo đều tự giác có phản ứng lại. Theo tôi, điều này cũng có nghĩa là tôn giáo đang hướng thiện, khuyên con người khởi phát lòng tốt, tính nhân văn, nhân bản.
Tu tập để trở thành người tốt, nhưng chỉ tốt với bố mẹ, người thân của mình là chưa đủ. Lòng tốt, nhân bản cần phải đối với cả xã hội, những người xung quanh, cả đối với môi trường, thiên nhiên, cây cỏ. Khi các tín đồ đã hiểu thấu triết lý yêu thương đối với muôn loài, có tình yêu thương với thế giới, với môi trường thì tính nhân văn, từ bi, bác ái của con người được mở rộng ra, trở nên sâu sắc, toàn diện hơn. Việc làm tốt các hoạt động bảo vệ môi trường cũng chính là việc tín đồ rèn luyện tình yêu thương, tính nhân bản, trách nhiệm xã hội, giúp cho các tín đồ hoàn thiện hơn trên con đường tu tập.
PV: Như ông chia sẻ, ngay trong giáo lý của các tôn giáo đều khuyên răn tín đồ trân trọng thiên nhiên, môi trường sống xung quanh. Liệu đây có phải lý do chính khiến các tôn giáo đều ủng hộ nhiệt tình Chương trình của Bộ TN&MT và Trung ương Mặt trận tổ quốc, thưa ông?
PGS.TS. Chu Văn Tuấn: Đúng vậy. Khi các tôn giáo cùng triển khai các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, họ có thể thể hiện giáo lý, quan điểm, định hướng của tôn giáo mình trong vấn đề này. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm xã hội trong xu thế phát triển chung của đất nước. Nói cách khác, chủ trương bảo vệ môi trường rất phù hợp với các tôn giáo vì tôn giáo nào cũng có những quan điểm trực tiếp hay gián tiếp về môi trường, bảo vệ môi trường.
Mỗi tôn giáo cũng là một tổ chức xã hội. Họ có đặc thù rõ nét, không phải tổ chức hay thiết chế xã hội nào cũng có nét đặc thù đó. Đó là khi các tôn giáo phát động và đưa ra quan điểm, quy định, tín đồ sẽ thực hiện rất nghiêm túc. Bởi lẽ, các tín đồ xem đây như là trách nhiệm xã hội của mình, nhằm thực hành giáo lý, mang ý nghĩa tu tập, rèn luyện chứ không phải đơn thuần là công việc hành chính. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo có sức lan tỏa lớn và hình thành nên ý thức tự giác bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH trong tín đồ và cả cộng đồng xung quanh.
Ngoài ra, sự tham gia của các tôn giáo trong hoạt động bảo vệ môi trường cũng giúp cho các tôn giáo tăng cường vai trò, ảnh hưởng đối với xã hội. Thông qua các hoạt động này, các tôn giáo lan toả được nhiều hơn triết lý tôn giáo, tinh thần tôn giáo, văn hoá tôn giáo… Ngoài ra, khi môi trường trong lành, thành phố xanh sạch đẹp, nông thôn mới phát triển thì chất lượng cuộc sống của toàn xã hội được nâng lên, trong đó có các tôn giáo.
Theo tôi, sẽ rất đáng tiếc nếu Chương trình chỉ dừng lại ở việc ký kết 1 bản ghi nhớ mà không có những hoạt động cụ thể. Bộ TN&MT, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các địa phương cần có những hoạt động thiết thực để cụ thể hoá, nâng cao hiệu quả của chương trình này, đồng thời, giúp mỗi tổ chức tôn giáo phát huy được thế mạnh của họ khi tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó có thể là khuyến khích tín đồ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm rác thải, chất thải; trồng cây xanh, cây thuốc, các loại rau quả hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
PV: Sự lan tỏa các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH sẽ đóng góp như thế nào cho việc thúc đẩy tăng cường đoàn kết tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thưa ông?
PGS.TS. Chu Văn Tuấn: Như tôi vừa chia sẻ, các tôn giáo sẵn sàng tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Họ có sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động, mô hình hay và trở nên gắn kết hơn, hiểu nhau hơn, xóa đi những định kiến trước kia. Điều này cũng đang được phát huy trong nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới, xây dựng bảo vệ tổ quốc…
Ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường đã trở thành diễn đàn – hay có thể nói là “nhịp cầu” gắn kết các tôn giáo tại Việt Nam. Sự hiểu biết lẫn nhau giúp các tôn giáo trở nên đoàn kết hơn, và như vậy sẽ giúp củng cố khối đoàn kết chung của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS. Chu Văn Tuấn đã trả lời phỏng vấn của Báo TN&MT!