Ngày 15-8, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” và trưng bày chuyên đề, tọa đàm “Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn: Từ giảng đường đến cuộc đời”, với sự tham dự của tác giả; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các thế hệ nhà báo và học trò của ông.
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn sinh năm 1930, trong một gia đình trí thức dòng dõi ở Thường Tín (Hà Nội). Ông có hơn 40 năm gắn bó với bục giảng, trong đó có 15 năm đảm nhận cương vị Trưởng khoa Báo chí thời kỳ đầu tiên sau khi đất nước thống nhất (1976-1990). Ông là tác giả nhiều giáo trình giảng dạy, nhiều tác phẩm sách đã xuất bản có giá trị chuyên sâu về báo chí, dịch thuật, khảo cứu văn hóa, lịch sử…
Ông cũng là một trong những người tham gia đặt nền móng, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ giảng dạy nghề báo và cán bộ báo chí các cấp, tạo dựng thương hiệu và uy tín cho một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực báo chí hàng đầu cả nước là Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” dày hơn 200 trang, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, có thể coi là sự tổng kết cô đọng cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn.
Cuốn sách gồm 3 tuyến. Tuyến một: Xây dựng giáo trình nghiệp vụ báo chí. Tuyến hai: Tác phẩm báo chí được sử dụng rải rác 60 năm qua. Tuyến ba: Các bản dịch chữ Hán, khám phá cội nguồn dòng Trần Bình chi từ cụ Thủy tổ – thế kỷ XVII. Trong đó, tuyến hai nói về những chuyến đi, quá trình tác nghiệp báo chí, hình thành tác phẩm đã công bố trên các báo đã thể hiện sống động sự nghiệp của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn trong hơn 60 năm cầm bút và những năm tháng ông tham gia giảng dạy.
Tại lễ ra mắt cuốn sách, các thế hệ nhà báo, đồng nghiệp, học trò của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn đã nêu bật những đóng góp, cống hiến của ông đối với sự nghiệp báo chí, đào tạo báo chí, nghiên cứu văn hóa, lịch sử.