Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, nhà báo và doanh nghiệp trên cả nước. Với Chủ đề “Kinh tế xanh – Trách nhiệm của nhà sản xuất”, các nhà quản lý và truyền thông đặt kỳ vọng rất lớn lên vai các doanh nghiệp trong công cuộc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt. Kinh tế xanh trở thành con đường sống còn của các quốc gia và trong đó một phần của sứ mệnh quan trọng đạt lên vai doanh nghiệp.
Tham dự diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” Lần thứ VIII – 2024, ông Trần Quang Dũng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã chia sẻ về sứ mệnh, trách nhiệm phát triển kinh tế xanh hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) không chỉ là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh vì lợi nhuận đơn thuần, mà là Tập đoàn kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Petrovietnam vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý báu, có giá trị đặc biệt lớn để phục vụ xây dựng đất nước. Đây là vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề của Tập đoàn và đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động dầu khí.
Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí
Theo ông Trần Quag Dũng, kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986, đến nay, hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam; không những bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước (NSNN), mà còn góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm, Petrovietnam cung cấp gần 9 – 11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 – 80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. Petrovietnam cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi chính thức đưa vào vận hành đến nay đã chế biến bình quân khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đảm bảo 30% nguồn cung xăng dầu trong nước, cũng như đáp ứng yêu cầu nhiên liệu của Bộ Quốc phòng. Nếu tính cả Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, hằng năm Petrovietnam đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Những năm gần đây, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái Petrovietnam đã góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên cùng nhau nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới, từng bước đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công 3 sản phẩm mới: BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVCHEM) phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/ Compound từ bột PP… Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd đầu tư xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam; tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại Đài Loan, tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực. Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) nghiên cứu sử dụng các sản phẩm khí làm nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, thu hồi và lưu trữ CO2, công nghệ sản xuất hydrogen và amonia “xanh” góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Viện Dầu khí Việt Nam tập trung nghiên cứu cứng hóa CO2;…
Những kết quả trên cho thấy sự nỗ lực, tiến bộ không ngừng của Petrovietnam trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình nhằm duy trì khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí của quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đề cao trách nhiệm doanh nghiệp tiến tới phát triển bền vững
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Quang Dũng cho rằng, để khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và trách nhiệm, trong quá trình hoạt động của mình, Petrovietnam luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia, đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường và hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn. Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về an toàn, sức khỏe, môi trường (ATSKMT) hiện hành.
Trong đó, các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm: Áp dụng các biện pháp quản lý chất thải nghiêm ngặt, bao gồm xử lý và tái chế chất thải rắn, lỏng và khí. Hệ thống quản lý chất thải của Petrovietnam đảm bảo rằng tất cả các loại chất thải được xử lý theo đúng quy trình, từ khâu thu gom đến xử lý và tái chế; Thực hiện các giải pháp cải tiến công nghệ, tối ưu hóa vận hành, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng xanh, đặc biệt là LNG như: Hướng đến việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại nhiều khu vực, chương trình “LNG – Hành trình năng lượng xanh” để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, khí CO2; Đánh giá và giảm thiểu tác động của các hoạt động khai thác dầu khí đến môi trường tự nhiên và các khu vực đặc biệt nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Các dự án của Petrovietnam đều thực hiện đánh giá tác động môi trường chi tiết, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm.
Ngoài ra, Petrovietnam đã xây dựng các kế hoạch chi tiết để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Điển hình là việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Về mặt xã hội, Petrovietnam luôn chú trọng đến yếu tố con người và cộng đồng, trước hết là chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ). Petrovietnam đã xây dựng một hệ thống bảo hộ lao động hiện đại, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ trong quá trình làm việc; NLĐ được thụ hưởng các giá trị văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần thông qua các chế độ lương, thưởng năm sau cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng đặc biệt ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Tập đoàn thường xuyên có các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ y tế và giáo dục, thực hiện an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh địa bàn hoạt động và các địa phương khó khăn trên cả nước. Tiêu biểu như chương trình trồng 3 triệu cây xanh vào năm 2025, chương trình hiến máu nhân đạo “Nhiệt huyết người Dầu khí”; đi đầu trong việc phát động và triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào xây dựng nông thôn mới, chung tay vì người nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước với 3.373 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết. Chỉ tính trong 05 năm (2019 đến 2023), Petrovietnam đã hỗ trợ các tổ chức, địa phương trong cả nước với tổng kinh phí 2.845,7 tỷ đồng.
Giữ vững vị thế số một trong xanh hóa nền kinh tế
Tuy nhiên hiện nay, Petrovietnam cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, biến động giá cả năng lượng và các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Theo ông Trần Quang Dũng, một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để duy trì sản xuất trong khi giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường đồng thời không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến, cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận trong và ngoài Tập đoàn.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Petrovietnam đã và đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó, ưu tiên đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí cùng nhiều giải pháp kỹ thuật trong điều kiện cho phép nhằm chặn đà suy giảm sản lượng tự nhiên cũng như đổi mới sáng tạo trên những khu vực truyền thống, nỗ lực tìm ra các mỏ mới để bảo đảm mục tiêu gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí: Nâng cao năng lực quản trị và quản lý doanh nghiệp, quản trị biến động, quản trị rủi ro, bảo đảm hoàn thành kế hoạch dài hạn gắn liền với mục tiêu và cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Mặt khác, tập trung nghiên cứu tìm kiếm thăm dò khai thác các nguồn năng lượng mới/năng lượng sạch, phi truyền thống như khí hydrate (băng cháy), khí sét, khí than,… tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm trong chuỗi giá trị khí.
Petrovietnam cũng đặt tham vọng giữ vững vị thế số một trong lĩnh vực điện khí, tích cực tham gia đầu tư phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo (đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi), giữ vững vị trí là một trong những nhà cung cấp điện năng lớn trong toàn hệ thống. Nghiên cứu và triển khai các giải pháp để xanh hóa các nhà máy điện than.
Đặc biệt, kéo dài chuỗi chế biến dầu khí sâu, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, phù hợp để thích ứng với chuyển dịch năng lượng; phát huy kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình trên biển sẽ đóng góp lớn cho các dự án điện gió ngoài khơi. Nghiên cứu phát triển sản xuất, ứng dụng và tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đối với năng lượng tái tạo, hydrogen “xanh”, hydrogen “lam”, ammonia “xanh” và các sản phẩm mới có giá trị gia tăng. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, có thế mạnh, đồng thời mở rộng sang các dịch vụ hướng đến/cung cấp cho ngành năng lượng tái tạo.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo và trang bị kiến thức về công nghệ, quản lý dự án, quản lý rủi ro, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và môi trường, nắm bắt được xu thế chuyển dịch năng lượng, có chuyên môn, có khả năng dẫn dắt, định hướng, triển khai các dự án về chuyển dịch năng lượng; đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch và hiệu quả năng lượng.
“Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, Petrovietnam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, trách nhiệm, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, kinh nghiệm trong công tác quản trị biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Petrovietnam thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, từng bước xây dựng và phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia, đóng góp tích cực cho sự phát triển phồn vinh của đất nước” – ông Trần Quang Dũng khẳng định.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/trach-nhiem-hieu-qua-vi-mot-viet-nam-xanh-ben-vung-tam-huyet-cua-petrovietnam-376006.html