Gặp nghệ sĩ Bạch Long tại căn nhà thuê chất đầy những kỷ vật làm nghề của ông, bao ký ức về một thời huy hoàng của sân khấu cải lương miền Nam lại ùa về.
Bạch Long được xem là người dành tâm huyết cả đời cho việc “bảo tồn cải lương”. Năm 1990, ông thành lập sân khấu Đồng Ấu với nguyện vọng trở thành “cánh chim đầu đàn” che chở cho các nghệ sĩ theo đuổi cải lương tuồng cổ. Tuy nhiên, sau vài năm phát triển, sóng gió bất ngờ ập đến khiến Đồng Ấu đóng cửa.
Tạm gác hoài bão với cải lương, Bạch Long bén duyên với kịch nói ở sân khấu Idecaf. Tại đây, ông được nhiều khán giả yêu thích với vai Chú chó Lulu, Vua bọ cạp trong “Ngày xửa ngày xưa”…
Bao năm qua, Bạch Long vẫn cần mẫn hoạt động ở cả lĩnh vực cải lương lẫn sân khấu kịch. Cứ tưởng sau bao nhiêu cố gắng và đánh đổi, nam nghệ sĩ đã có được cuộc sống an nhàn, sung túc tuổi già. Trớ trêu thay, dù đã bước sang tuổi U70, ông vẫn ở nhà thuê, đi xe máy và “cơm hàng cháo chợ” hằng ngày…
“Tôi không cờ bạc, rượu chè nhưng về già không dư đồng nào”
Cả đời cống hiến cho nghệ thuật nhưng Bạch Long vẫn túng thiếu, khó khăn lúc về già. Có bao giờ ông buồn cho số phận của mình?
– Nghĩ cũng lạ! Bạch Long một thời nổi tiếng và kiếm tiền chẳng thua ai nhưng cuối cùng vẫn nghèo. Tôi không cờ bạc hay rượu chè, cả đời chỉ biết tập trung làm nghề nhưng tuổi già chẳng dư được một đồng (cười). Nhưng thôi, tôi học cách chấp nhận và nghĩ số phận mình an bài như thế nên từ lâu đã không còn oán trách cuộc đời.
Bạch Long trang trải cuộc sống thế nào với tiền lương “ba cọc ba đồng” như hiện tại?
– Hoạt động sân khấu kịch và cải lương ngày càng hạn hẹp, có những tháng tôi chỉ diễn 1 suất thì tiền đâu ra? Nếu may mắn có tham gia gameshow thì dư được chút đỉnh. Tiền lương hiện tại, tôi dùng để chi trả tiền nhà (5-6 triệu/tháng), tiền cơm 3 bữa… “Rón rén” để “đủ ăn đủ mặt”, khi túng thiếu thì các chị sẽ giúp đỡ.
Người ta có tiền để phòng thân, còn tôi không dự tính gì cả, cứ phó thác cho cuộc đời. Tôi chỉ mong bản thân đừng đổ bệnh vì sẽ phiền hà mọi người xung quanh. Nhiều lần tôi xin ơn trên để mình được chết một cách nhẹ nhàng trong giấc ngủ chứ đừng ốm đau hay bệnh tật.
Tôi không ham sống thọ. Thậm chí tôi còn mong được chết trước năm 70 tuổi để khán giả vẫn còn nhớ mình.
Nhắc đến Bạch Long, khán giả lại nhớ đến hình ảnh “đi xe máy, ở nhà thuê” và thương cho hoàn cảnh của ông. Tuy nhiên, ông có thoải mái khi được “thương” theo cách này?
– Tôi thấy cuộc sống hiện tại của mình ổn mà, tuy thiếu thốn một chút nhưng tinh thần luôn thoải mái. Tôi không đòi hỏi phải giàu có, sang trọng. Bản thân tôi cảm thấy đủ với những gì mình đang có. Tính tôi mộc mạc, giản dị quen rồi chứ không đua đòi như người ta.
Nhiều người nghĩ Bạch Long nổi tiếng vậy chắc giàu có lắm nên họ thấy tôi ở nhà thuê, đi xe máy thì… không tin. Chắc họ nghĩ tôi diễn, kể khổ (cười).
Không phải “nhà cao” hay “xế xịn”, gia tài lớn nhất của Bạch Long hiện tại là gì?
– Thẳng thắn mà nói thì tôi không có gì cả. Nếu có thì đó là những “gia tài” về tinh thần như các vở diễn của tôi hay những người học trò thành danh…
Một số nghệ sĩ thường nhận học trò làm con nuôi để về già có người kề cạnh, vì sao Bạch Long lại không như vậy?
– Cũng có học trò ngỏ ý muốn ở cùng tôi để chăm sóc tuổi già vì thấy tôi ở một mình. Tuy nhiên, tôi từ chối vì không muốn lợi dụng hay làm phiền ai hết. Tôi dạy học vì đam mê chứ không đòi hỏi ai đền đáp mình.
Học trò của tôi còn mang trách nhiệm với gia đình và gánh nặng “cơm áo gạo tiền” chứ chẳng dư dả gì. Tôi biết tôi có chết thì học trò cũng không bỏ nhưng tôi muốn họ lo cho cha mẹ, con cái trước.
Tôi thấy có nhiều nghệ sĩ nhận con nuôi nhưng hỏi thật là có đủ lo lắng và yêu thương đứa trẻ đó không. Tôi lo cho bản thân còn chưa xong sao dám nhận nuôi ai.
Ngoài nghệ thuật và sân khấu, Bạch Long làm bạn với ai?
– Tôi không có bạn (cười). Cái nghề này cũng ngộ lắm, người ta “chọn bạn mà chơi” nên tôi thấy sống một mình cho khỏe. Cũng có người thích chơi với tôi nhưng tôi ngại vì “bánh ít đi, bánh quy lại”.
Người ta đãi mình một bữa thì mình phải trả lại cho đúng lễ nghĩa. Tôi biết kinh tế của mình không đủ để “qua lại” như thế nên tôi chơi một mình (cười). Thỉnh thoảng, thu nhập dư dả thì tôi mời học trò đi ăn.
Ở sân khấu, được quây quần bên đồng nghiệp nhưng lúc ở nhà tôi lại thích cuộc sống một mình. Đừng ai nghĩ tôi cô độc, xung quanh tôi còn rất nhiều người thương mình. Tôi vui vẻ và hài lòng với cuộc sống hiện tại!
Nếu viết sách về cuộc đời mình, ông sẽ kể gì trong đó?
– Tôi thấy cuộc đời mình như một cuốn phim vì từng trải qua nhiều chuyện oái oăm. Từ hồi còn đỏ hỏn, tôi đã được cha mẹ mang “đi cho” vì khó nuôi. Cả tuổi thơ của tôi không được gần gũi bên những người ruột thịt dù chúng tôi gặp nhau hằng ngày. Ngày mẹ nuôi mất, tôi vẫn phải cười trên sân khấu để làm tròn nghiệp diễn.
Ngày Đồng Ấu Bạch Long đóng cửa, tôi từ một trưởng nhóm cải lương nổi tiếng phải rơi vào cảnh túng quẫn, bán tháo từng món đồ để có tiền ăn cơm. Thoát khỏi cái đói nhờ bén duyên với sân khấu kịch nhưng cái nghèo vẫn đeo dai dẳng suốt mấy chục năm qua.
Đồng nghiệp cùng thời, người có gia đình sung túc, người có “của ăn của để”, còn tôi, 60 năm cuộc đời thì có gần 40 năm sống ở đình, 20 năm còn lại ở nhà thuê…
Cứ thế tôi lủi thủi một mình làm việc suốt bao năm qua, xem sân khấu là “ruột gan” của mình. Tuy vậy, tôi vẫn cứ cười, cứ sống vui vẻ bao năm qua…
“Cả đời tôi không biết làm gì khác ngoài nghệ thuật”
Gắn bó hơn cả đời với cải lương, ông cảm nhận thế nào về “thịnh” và “suy” của bộ môn nghệ thuật này?
– Tôi nhớ thập niên 70, cải lương lên ngôi một cách mạnh mẽ. Thời đó có hơn chục đoàn nghệ thuật. Một nghệ sĩ có khi đi diễn đến 2-3 điểm mỗi đêm, khán giả đi xem nườm nượp. Cải lương thời đó như món ăn tinh thần của người dân.
Cuối thập niên 80, cải lương có dấu hiệu lắng dần khi người ta mê rạp xi -nê (rạp chiếu phim thời xưa – PV) hơn là xem cải lương. Những năm sau đó, bắt đầu xuất hiện thêm nhiều loại hình giải trí khác như câu lạc bộ nhảy đôi (vũ trường ngày nay – PV), truyền hình… nên cải lương dần xa khán giả. Sân khấu ban đầu từ 1.000 khán giả dần thu hẹp còn 800, 400, 200… người.
Giữa lúc cải lương có dấu hiệu đi xuống, Bạch Long lại quyết định thành lập sân khấu Đồng Ấu. Sự mạo hiểm này dường như đã góp phần đẩy ông vào cảnh túng quẫn sau đó?
– Năm 1990, tôi gom hết tiền dành dụm để thành lập Đồng Ấu. Thời gian đầu, sân khấu hoạt động tạm ổn nhưng đến năm 1996 thì biến cố ập đến, buộc phải đóng cửa. Đó cũng là giai đoạn tăm tối nhất trong sự nghiệp của tôi. Cái khổ, cái nghèo từng khiến tôi nghĩ đến chuyện tự tử.
Nhưng đời tôi rất lạ! Giữa lúc cái chết cận kề, một bà lão xuất hiện và răn đe tôi: “Ông đừng có nghĩ đến cái chết. Cuộc đời ông không khổ hơn tôi đâu. Ông còn tương lai phía trước”.
Sau đó, bà ngồi kể cho tôi nghe về những đắng cay đời bà, tôi bừng tỉnh và dẹp luôn ý định tự tử. Đến giờ tôi xem bà như ân nhân cứu mạng mình.
Dù gặp biến cố nhưng Bạch Long vẫn không từ bỏ hoài bão với cải lương. Bên cạnh hoạt động ở sân khấu kịch, ông đã làm gì để Đồng Ấu có thể “sinh tồn” suốt 20 năm qua?
– Hoạt động sân khấu kịch nhưng tôi vẫn nung nấu việc gầy dựng Đồng Ấu trở lại. Nhiều năm qua, tôi vẫn lặng lẽ đi dạy và truyền kinh nghiệm cho các bạn trẻ có đam mê cải lương.
Thỉnh thoảng, thầy trò tôi vẫn đi diễn ở các trường học, đình thần. Đồng Ấu sống lay lắt suốt nhiều năm như thế… Đến năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Đồng Ấu chính thức được “sống” lại và có sân khấu để hoạt động.
Dù thế, tôi phải thừa nhận lần “hồi sinh” này không mấy dễ dàng. Chúng tôi vẫn chật vật vì sân khấu thua lỗ mỗi ngày, khán đài thưa thớt. Mỗi tháng, Đồng Ấu duy trì diễn một suất để sân khấu luôn sáng đèn, tuy nhiên việc bán vé rất trầy trật.
Cố gắng gồng gánh và giữ gìn nhưng không thể “kháng” lại thực tế, rõ ràng Bạch Long có thể chọn từ bỏ để rẽ sang hướng khác nhưng vì sao ông vẫn miệt mài với vai trò “người bảo tồn cải lương”?
– Có lẽ ông trời tạo ra tôi để trở thành nghệ sĩ, nên cả đời tôi không biết làm gì khác ngoài hoạt động nghệ thuật. Dù sân khấu có biến động thế nào, tôi vẫn sống chết với nó.
Tôi rất thích chương trình “bảo tồn động vật” vì nhờ có những người bảo tồn mà các con vật quý hiếm không bị giết. Việc tôi làm với Đồng Ấu cũng tương tự như vậy. Tôi bỏ công sức của mình với mục đích duy nhất là “giữ lửa”. Không biết tương lai cải lương sẽ đi về đâu, nhưng cứ kệ, tôi còn sống là còn cống hiến.
Thẳng thắn mà nói, tương lai của cải lương rất mù mịt. Tôi chỉ mong cải lương có thể tồn tại len lỏi, còn việc kéo nó trở lại thời huy hoàng là điều khó có thể.
Thực tế, cải lương không còn là “mảnh đất màu mỡ” để nghệ sĩ trẻ kiếm sống. Ngoài đam mê, người ta cũng phải đối diện với “cơm áo gạo tiền”…
– Tôi rất thương các bạn trẻ dành tình cảm cho nghệ thuật sân khấu. Thời hoàng kim của cải lương, nghệ sĩ chỉ cần chăm chỉ đi diễn là tên tuổi được nhiều người biết đến. Ngày nay, các nghệ sĩ trẻ mà mỗi năm chỉ diễn được 2-3 show thì làm sao khán giả biết đến. Cho dù họ thật sự có tài năng cũng không thể bật lên được.
Cải lương không còn là nghề để chúng tôi kiếm sống nữa rồi. Nó chỉ nghề tay trái để thỏa mãn đam mê thôi. Tôi luôn nói với học trò: “Bây giờ hát cải lương vì đam mê chứ đừng nghĩ kiếm tiền từ nó”.
Một người đi cùng sân khấu cả đời như tôi, từng chứng kiến từng giai đoạn thăng trầm của nó, giờ đây cũng “lực bất tòng tâm”…
Đồng Ấu từng tạo ra rất nhiều nghệ sĩ tài năng cho sân khấu như Tú Sương, Trinh Trinh, Vũ Luân… Ở thời điểm hiện tại, sự gắn kết giữa họ với “chốn cũ” thế nào ?
– Tôi không bao giờ ép học trò phải gắn bó với Đồng Ấu. Thay vào đó, tôi để họ tự do bay nhảy sang nơi khác để phát triển. Tuy nhiên, các học trò của tôi sống rất tình cảm và hiếu thuận. Tú Sương, Trinh Trinh hay Lê Thanh Thảo luôn đứng sau hỗ trợ khi tôi cần.
Đồng Ấu hiện có 2 thế hệ, một là các nghệ sĩ đã có tên tuổi, hai là các nghệ sĩ trẻ có mong muốn theo nghề. Mỗi khi có vở diễn mới, các học trò cũ góp mặt để vừa chỉ dạy, vừa truyền lửa cho đàn em.
Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Bạch Long!
Nội dung: Huỳnh Quyên
Ảnh: Nam Anh