Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết đây là truyền thống lâu đời của nghệ sĩ sân khấu, riêng với thương hiệu Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, tất cả các nghệ sĩ tham gia đều tề tựu tại Đình Nhơn Hòa để thể hiện lòng tôn kính, sự cầu mong tổ tiên ban phước lành cho nghề nghiệp được tỏa sáng.
“Năm nay sẽ là năm đoàn Huỳnh Long cố gắng thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Tiêu chỉ trẻ hóa lực lượng sẽ là điều tiên phong nhằm tạo cho sàn diễn sức trẻ trung, năng động” – cô bầu trẻ của thương hiệu Huỳnh Long cho biết.
NSND Lệ Thủy cho biết năm 2024, bà không kỳ vọng điều gì hơn ngoài việc giữ gìn sức khỏe để thực hiện những dự định còn dang dở đó là tiếp sức cùng thế hệ nghệ sĩ trẻ gầy dựng lại hoạt động “Sân khấu Vàng” – nhưng sẽ mang một tên mới với thật nhiều dự án có ý nghĩa, chung sức thực hiện việc thiện nguyện.
“Tối 30 tết các nghệ sĩ sân khấu đã xuôi ngược biểu diễn khắp nơi, sáng mùng 3 thì theo tục lệ truyền thống đều tổ chức mâm cơm cúng Tổ, bắt buộc phải có một con gà trống luộc, đầu ngậm một cành hoa cúc hoặc hoa hồng, tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ” – NSND Lệ Thủy chia sẻ.
NSƯT Lê Thiện cho biết bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán. Lễ cúng gà ra mắt Tổ thể hiện lòng tôn kính, hướng đến Tổ nghề ước nguyện được ban phước lành cho người nghệ sĩ. “Sau một năm lao động miệt mài, năm nay các sân khấu đón đông khán giả đến xem và cổ vũ. Điều này cho thấy sự tốt lành, suôn sẻ và may mắn đã đến với các sàn diễn. Mùng 3 còn là Tết thầy, Tết cô. Những ai nhớ ơn thầy cô dạy nghề thì ngày này đến thăm và chúc Tết. Nghe những lời giáo huấn của thầy cô đầu năm mới để tiếp thêm năng lượng cho nghề nghiệp được thăng hoa” – NSƯT Lê Thiện chia sẻ.
Nghệ sĩ Chấn Cường năm nào cũng đến nhà của thầy là nghệ sĩ Bạch Long để thắp hương trên bàn thờ Tổ, sau đó anh gặp lại các đồng nghiệp ở đoàn Đồng ấu Bạch Long.
“Trong mâm cơm dâng cúng Tổ, gà cúng phải là gà trống có đôi chân đẹp và được bày trí thật đẹp. Đây là vật tế trong nghi lễ truyền thống sân khấu không thể thiếu trong ngày mùng 3 Tết. Thầy tôi rất chu đáo, sau khi mỗi thành viên cúng lễ, thầy sẽ xem đôi chân gà của từng người và dự báo hướng đi trong nghề để mỗi người nỗ lực hơn” – nghệ sĩ đã từng nổi tiếng với phim “Cậu bé thông minh” bày tỏ.
Năm nay, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan đến thắp hương tại nơi thờ Tổ của CLB Sân khấu Lạc Long Quân rất sớm. Các thành viên khắp nơi ở các sân khấu kịch, đoàn cải lương cũng tụ về rất đông vui. Là đơn vị xã hội hóa của Nhà hát Trần Hữu Trang, CLB có sự tham gia của ba nữ nghệ sĩ: Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi và Kim Hương.
NSƯT Minh Nhí và nghệ sĩ Việt Hương năm nay cúng gà ra mắt Tổ tại sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh; NSƯT Trường Sơn (Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ) tổ chức cúng Tổ tại Đình Thái Hưng, quận 1, nơi là rạp hát đã từng nuôi lớn ước mơ theo nghệ thuật của ông và các anh chị em trong nghề khi còn tham gia Đồng ấu Minh Tơ.
Nghệ sĩ Công Minh, Thanh Sơn tổ chức cúng Tổ tại nhà riêng, nơi các học trò cũng tề tựu để nhớ về Tổ nghề. “Trong thời khắc này mỗi nghệ sĩ đều nhớ ơn những bậc tiền bối đã cống hiến cả đời cho sân khấu. Ba tôi là cố nghệ sĩ Minh Tơ hồi đó rất chu đáo trong việc tổ chức lễ cúng gà ra mắt Tổ. Ông xem cặp chân gà mà các nghệ sĩ là con cháu trong gia tộc dâng cúng Tổ, sau đó dặn dò lao động nghệ thuật thì phải nghiêm túc” – NSƯT Trường Sơn kể.
MC Nguyễn Phi Long – học trò của NSƯT Hữu Châu chia sẻ: “Hồi đó, tôi còn nghèo lắm, đến ngày cúng gà ra mắt Tổ, tôi và diễn viên Huỳnh Quý hùm tiền để mua một con gà. Cặp chân gà thì mỗi người giữ 6 tháng, treo ở giàn bếp để nhắc nhỡ phải phấn đấu không ngừng” – MC từng nổi tiếng với vai trinh sát trong phim “Vụ án ngay bên bạn” của VTV 8 chia sẻ.
Là diễn viên kỳ cựu của CLB Sân khấu Lạc Long Quân, Huỳnh Quý đã có những bước ngoặt lớn trên con đường làm nghề. Anh cho biết, mỗi năm được về thắp hương Tổ trong ngày lễ thầy mùng 3 là một việc làm ý nghĩa, giúp anh hiểu thêm nhiều về bản thân cũng như định hình rõ hơn con đường diễn xuất của mình.
Huỳnh Quý và các thành viên của CLB thấy mình cần phải tự hoàn thiện, trau dồi bản thân nhiều hơn nữa khi quyết định theo đuổi nghiệp diễn. “Bởi, để có được tình cảm của công chúng dành cho mình không phải là chuyện – một sớm một chiều, mà mỗi ngày phải cố gắng nhiều hơn” – diễn viên Huỳnh Quý bộc bạch.
Theo các nghệ sĩ hát bội, Tết năm nay việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng đã được các bậc tiền bối khuyến cáo hạn chế tối đa để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường, giảm nguy cơ gây cháy nổ. Do đó, các nghệ sĩ không còn đốt vàng mã trong ngày mùng 3 Tết.
NSND Đinh Bằng Phi cho biết cúng lễ, cúng gà ra mắt Tổ mùng 3 được xem dịp mà các nghệ sĩ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những vị tiền bối đi trước bằng hành động thăm hỏi, động viên khi tới thăm nhau.
Dù ai đang ở đâu hay làm bất kỳ công việc gì liên quan đến nghệ thuật thì vẫn giữ tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần lạc quan của người Việt.
“Mâm cơm mùng 3 Tết thầy rất quan trọng bởi đó là mâm cơm quần tụ gia đình nghệ sĩ để chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới. Đó cũng là mâm cơm rất đầm ấm và vui bởi chưa vướng vào những kiêng kỵ năm mới nên các nghệ sĩ sẽ trao đổi, chia sẻ với nhau về dự định của bản thân.
Ngoài những món ăn đầy kỷ niệm, nghệ sĩ còn tâm sự, buông bỏ những buồn giận trong nghề, hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới” – NSND Đinh Bằng Phi cho biết.
NSND Kim Cương nói rằng cúng tổ nghề có ý nghĩa rất quan trọng, mỗi người làm trong mỗi ngành nghề nghệ thuật đều phải nhớ ngày ý nghĩa này, soạn mâm cúng trang nghiêm để tưởng nhớ người sáng lập ra nghề và thể hiện sự biết ơn công lao các thế hệ đi trước đã gìn giữ và phát triển nghề đến ngày nay, mang những giá trị đẹp cho đời thông qua vai diễn, vở diễn.
Như đã nói cúng gà ra mắt Tổ ngoài việc thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ những người đã có công sáng lập và phát triển ngành nghề, còn là dịp cầu xin các Tổ sư phù hộ, dõi theo để công việc sáng tạo của người nghệ sĩ được suôn sẻ.
Theo các nghệ sĩ lão thành, ngày cúng Tổ mùng 3 cũng tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã khai sáng đạo hát như:
Nghề sân khấu tuồng: Liêu Thủ Tâm, Đào Tấn.
Nghề sân khấu chèo: Phạm Thị Trân.
Nghề sân khấu cải lương: Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, Cao Văn Lầu, Tống Hữu Định, Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Thành Tôn, Năm Đồ…
Nghề hát xẩm: Trần Quốc Đĩnh.
Nghề nhiếp ảnh: Nguyễn Lan Hương.
Nghề kịch nói: Vũ Đình Long, Đào Mộng Long
Nguồn: https://nld.com.vn/tet-thay-mung-3-nghe-si-cung-ga-ra-mat-to-196240212144936487.htm