Câu thoại: “Xuân tôi là phận đàn bà, đã là đàn bà xin cho phép tôi được sống theo cảm xúc, còn chuyện phép tắc lễ nghĩa xin phép được để lại phía sau” của nhân vật Bùi Thị Xuân đã được NSƯT Trinh Trinh thể hiện đầy cảm xúc.
Vai diễn cuốn hút khán giả với những lớp diễn ngắn, xuất hiện đối thoại với nhân vật Nguyễn Huệ được xem là đắt nhất trong vở kịch sử Việt mà NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long lần đầu cùng đầu tư dàn dựng.
NSƯT Trinh Trinh tâm sự, vai diễn có độ tuổi chín mùi với độ tuổi hiện tại nên cô dễ cảm thông. Khi đã được làm vợ, làm mẹ, Bùi Thị Xuân thương yêu binh lính của mình với tình thương một người mẹ đối với con. Một lính canh bị kẻ gian ép uống rượu, đốt sách quý để sưởi ấm dưới cái lạnh cắt da, theo đúng luật thì xử trảm làm gương, nhưng bà đã can ngăn Nguyễn Huệ và cuộc tranh luận đó đã khiến Bùi Thị Xuân rơi nước mắt.
“Khi đọc kịch bản tôi cảm nhận ngay đó là lớp diễn hay. Lên sàn tập anh Kim Tử Long, chị Hồng Vân góp ý thêm để tôi truyền tải đến khán giả những thông điệp cốt lõi nhất của vai diễn này. Làm sao để sự xuất hiện của Bùi Thị Xuân phải sinh động. Sự tranh luận của Bùi Thị Xuân với Nguyễn Huệ nhằm tìm ra sự thống nhất trong cách điều hành đại quân. Là một nữ tướng, vai diễn mang nặng cảm xúc của một phụ nữ nhưng vẫn hiên ngang, khẳng khái và không khuất phục gian khó” – NSƯT Trinh Trinh kể.
Chính vì đào sâu tính cách và nghiên cứu sự hóa thân, vai diễn của cô đã nhận được sự tán thưởng của khán giả.
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, NSƯT Trinh Trinh đã tham gia nhiều phiên bản khác nhau có sự xuất hiện của nhân vật Bùi Thị Xuân, kỷ niệm đáng nhớ nhất là trích đoạn “Thanh gươm nữ tướng” do NSND Thanh Tòng chỉnh lý, giúp cô dự thi giải thưởng HCV Trần Hữu Trang năm 1995.
“Năm đó, cha của tôi là cố nghệ sĩ Hữu Cảnh dù đang điều trị bệnh vẫn vào hậu trường Nhà hát Hòa Bình để hỗ trợ tôi, ông đọc lời thoại nhân vật người cha, còn mẹ tôi – cố nghệ sĩ Xuân Yến thì diễn vai nhũ mẫu, yểm trợ tôi. Đó là kỷ niệm khó quên với vai Bùi Thị Xuân giúp tôi đoạt HCV Trần Hữu Trang năm đó” – NSƯT Trinh Trinh nhớ lại.
Sau này cũng trong vở “Xuân về trên đất Thăng Long” của tác giả Bạch Long, cũng dựa theo kịch bản “Thanh gươm nữ tướng”, NSƯT Trinh Trinh cũng có lần được hóa thân vai Bùi Thị Xuân. Lý giải vì sao cô có duyên với vai Bùi Thị Xuân, cô nhìn nhận tính cách nhân vật mạnh mẽ, quyết đoán giống tính cách của cô, luôn sống chan hòa và hết lòng vì mọi người, nên với vở kịch “Tình sử Thăng Long”, vai diễn này thêm một lần ghi dấu ấn trong hành trang nghệ thuật của cô.
“Tôi chỉ tiếc thời gian đầu tư tập luyện quá ngắn, khiến vở diễn chưa thật sự bay bổng những sáng tạo. Chứ khi tập, lời thoại của cố tác giả Lưu Quang Vũ rất hay, giàu hình tượng và cảm xúc dạt dào, càng nghe càng thấm và nâng cao tinh thần ái quốc trong mỗi tâm hồn người xem” – NSƯT Trinh Trinh nhìn nhận.
Nguồn: https://nld.com.vn/vi-sao-nsut-trinh-trinh-co-duyen-voi-vai-bui-thi-xuan-196240219065832333.htm