(PLVN) - Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi, có tác động đến nhiều chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ, sáng 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để bàn và lắng nghe các giải pháp phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Sẽ có kênh đưa tiền ra bảo đảm không gặp khó về vốn
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2025 sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Thủ tướng nhận định, từ đầu năm tới nay, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, có tác động đến nhiều chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ. Xác định đây là năm có nhiều thách thức nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh “có không ít thời cơ, thuận lợi”. Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực mới trong phát triển đất nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, NHNN tiếp tục chủ động điều hành lãi suất ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỉ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá. Bên cạnh đó, NHNN kịp thời chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng (doanh số cho vay 23 triệu tỷ đồng).
Việc tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục triển khai quyết liệt, tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là NHNN đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính và kinh doanh có lãi.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, toàn ngành Ngân hàng quán triệt sâu sắc và ý thức năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá. NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Để hoàn thành nhiệm vụ này, NHNN sẽ theo sát diễn biến, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng và ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để bảo đảm ổn định vĩ mô. Chính sách tín dụng cũng sẽ tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Trong điều hành, NHNN có các kênh đưa tiền ra để bảo đảm các ngân hàng không phải gặp khó khăn trong nguồn vốn”.
Hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2025 phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát bội chi, nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài trong giới hạn, điều hành tốt chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất từ 8% trở lên. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng trên 16%, Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng phải tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp mà ngành Ngân hàng và các ngân hàng thương mại cần tập trung thực hiện. Theo đó, cần tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho Nhân dân.
Đồng thời tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công - tư; tín dụng tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản…
Bên cạnh đó, NHNN, các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Ngoài ra, còn một số nhiệm vụ khác được Thủ tướng chỉ ra như như tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, những biểu hiện tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa trong triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, góp ý cho việc xây dựng luật pháp, tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các ngân hàng hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận thì phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi "nước nổi thì bèo nổi" nhưng cũng cần lưu ý việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài gây lãng phí của các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì số doanh nghiệp này chiếm tỉ trọng rất lớn, giải quyết nhiều việc làm. Ngân hàng cũng phải hoạt động đúng luật, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh: Ngành Giao thông cần khoảng 6,27 triệu tỷ đồng từ nay tới năm 2035
Đang có 11 dự án BOT giao thông gặp khó khăn cần xử lý, trong đó 7 dự án đã cơ bản giải quyết dứt điểm. Để giải quyết các khó khăn này cũng như triển khai các dự án BOT mới, cần sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ giữa các bên liên quan. Tới đây, ngành Giao thông rất cần sự đồng hành của ngân hàng với tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông cần khoảng 6,27 triệu tỷ đồng từ nay tới năm 2035.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank: Sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp
HDBank đã thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư AI và Blockchain nhằm xây dựng các sản phẩm công nghệ "Make-in-Vietnam", sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao. Nhưng cũng cần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn; Giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho các chương trình ưu tiên; Điều hành tỉ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch TP Bank: Ngân hàng thương mại luôn chủ trương “3 giảm”
Với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000km cao tốc trong năm nay, TP Bank đã tham gia nhiều dự án như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Gần đây, TP Bank đã ký ngay hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này.
Năm 2024, dư nợ tín dụng của TPBank đạt khoảng 20,25% cao hơn trong tăng trưởng toàn ngành. Bởi vì đối với các ngân hàng xếp hạng loại A thì NHNN đã cho phép được tính toán mức hợp lý nhất. Tuy nhiên, cũng cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng thương mại, trong đó có TP Bank có chủ trương 3 giảm gồm giảm lãi suất cho vay (trong năm 2024, TP Bank đã giảm khoảng 1.900 tỷ cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp); Giảm thủ tục, áp dụng đơn giản hóa các thủ tục; Và giảm các quy trình nội bộ chưa phù hợp và áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn để ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá...
Nguồn: https://baophapluat.vn/nganh-ngan-hang-phai-tien-phong-trong-thuc-day-tang-truong-post539597.html
Bình luận (0)