Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2023 – 2024 đạt gần 175.000ha, với năng suất đường lần đầu tiên đạt 6,79 tấn/ha. Đáng chú ý, giá bán mía của nông dân đã tăng lên mức cao chưa từng có, đạt gần 1,3 triệu đồng/tấn.
Nông dân bán mía với giá cao nhất từ trước đến nay
Tại Phú Yên, một trong những tỉnh trọng điểm về mía đường với gần 25.000ha và bốn nhà máy, nông dân như ông Nguyễn Xuân Sang đang hân hoan với giá mía cao kỷ lục. “Mía thu hoạch nếu đạt 10 chữ đường có giá 1,2 – 1,3 triệu đồng/tấn. Chưa kể cộng các khoản khác, như mía sạch, đẹp, đều mía, nhà máy thu mua hơn 1,3 triệu đồng/tấn”, ông Sang chia sẻ.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các vùng trồng mía khác thuộc miền Trung và Tây Nguyên. Tại Gia Lai, chị Nguyễn Thị Ly (huyện Ia Pa) cho biết gia đình chị đã thu lợi khoảng 68 triệu đồng/ha từ 4ha mía trong niên vụ này, với giá bán tăng từ 1 triệu đồng/tấn lên 1,2 triệu đồng/tấn.
Đánh giá mía Việt Nam đang ở mức ngang ngửa và cao hơn các nước trong khu vực, theo đại diện Công ty cổ phần nông nghiệp AgriS Gia Lai (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) cho hay việc doanh nghiệp thu mua mía của người dân ở mức cao, do người trồng mía đã liên kết với các nhà máy đường; được hỗ trợ giống mía chất lượng cao, cho năng suất tốt. Thực tế, có những ruộng mía đạt 130 – 140 tấn/ha, cao hơn 10 – 15 tấn/ha so với vụ trước.
Ông Cao Anh Đương, viện trưởng Viện nghiên cứu mía đường Việt Nam (SRI), cho biết thêm lý do năng suất mía tăng, do thời tiết mưa thuận gió hòa, trong khi Thái Lan, đối thủ cạnh tranh, bị ảnh hưởng của El Nino rất khắc nghiệt.
“Ngoài ra, hiệu quả từ năm 2021 với quyết định áp thuế phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu, để bảo vệ đường trong nước cũng là lý do lớn”, ông Đương nhấn mạnh.
Bảo vệ chuỗi liên kết mía đường
Mặc dù ngành mía đường đang có những bước tiến đáng kể, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Một trong những vấn đề nổi cộm là việc bảo vệ chuỗi liên kết sản xuất mía đường và đảm bảo công bằng lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.
Tại một số địa phương như Cao Bằng, Hà Giang và Tây Ninh, nông dân đang có xu hướng bán mía cho thương lái để xuất khẩu sang Trung Quốc do chênh lệch giá.
Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng cho biết trong niên vụ 2023 – 2024, có trên 30.000 tấn mía, chiếm hơn 20% tổng sản lượng mía nguyên liệu toàn vùng, đã được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Tình trạng này dự kiến sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong vụ 2024 – 2025.
“Các tư thương đang đặt các trạm thu mua rải khắp vùng. Dù có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng cốt lõi là thiếu các quy định rõ ràng để bảo vệ chuỗi liên kết sản xuất mía đường.
Việc tư thương không đầu tư, không được cấp quy hoạch vùng trồng mà tổ chức tranh thu mua để xuất khẩu ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh không công bằng, gây nhiễu loạn trên địa bàn, phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất”, đại diện công ty này chia sẻ.
Còn ông Cao Anh Đương cho rằng giá mía ở Trung Quốc cao gấp 1,5 – 2 lần và kiểm soát đường lậu tốt và bật đèn xanh cho mía Việt Nam. Nếu Việt Nam mua 1,2 triệu đồng/tấn thì Trung Quốc mua đến 1,8 triệu đồng/tấn.
Do đó, ông Cao Anh Đương nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra sự công bằng trong chuỗi liên kết. “Rõ ràng chuỗi liên kết giữa nông dân và nhà máy rất dễ phá bỏ. Câu chuyện ở đây là nông dân không thể bán cho ai khác ngoài nhà máy, bên mua là nhà máy quyết định giá, chất lượng chữ đường nhà máy cũng quyết. Người bán không có quyền thương lượng”, ông nói.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đương đề xuất cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương về giá mía. Ông cũng lưu ý rằng, mặc dù kỹ thuật và quy trình canh tác mía của Việt Nam không thua kém Thái Lan, nhưng chữ đường của Việt Nam vẫn luôn thấp hơn 2 – 3 chữ do thiếu một cơ quan độc lập phân tích chữ đường.
Thách thức từ đường lỏng nhập khẩu
Ngành mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức mới là sự bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô HFCS. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2023 đã có khoảng 230.000 tấn loại đường lỏng này được nhập khẩu vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị phần đáng kể trong ngành nước giải khát.
Để đối phó với tình trạng này, hiệp hội đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với đồ uống có đường và 20% đối với đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nganh-mia-duong-viet-nam-da-khoi-sac-20240928092826188.htm