Mía là một trong những loại cây trồng chủ lực ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, đáp ứng nguyên liệu cho Nhà máy Đường An Khê và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai. Tuy nhiên, năm 2018, giá đường trên thị trường xuống thấp, giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy cũng giảm theo khiến người trồng mía lỗ nặng, buộc phải chuyển sang các loại cây trồng khác.
Ngày 15-6-2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Từ đó, giá đường trên thị trường tăng trở lại và dần ổn định, kéo theo giá mía nguyên liệu tăng, giúp người trồng mía có lợi nhuận. Đặc biệt, trong vụ ép 2022-2023, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua với giá gần 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường, chưa kể các khoản hỗ trợ vận chuyển giúp người trồng mía đạt lợi nhuận 35-50 triệu đồng/ha.
Còn ông Đào Duy Phước (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) thì cho biết: “Gia đình tôi thuê đất tại xã Chư A Thai trồng khoảng 80 ha mía từ nhiều năm nay. Những năm trước, dù giá mía xuống thấp nhưng tôi vẫn liên kết với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai để duy trì vùng nguyên liệu. 2 năm trở lại đây, giá mía được Công ty thu mua ổn định giúp người dân có lợi nhuận khá. Vừa rồi, tôi phá 30 ha mía lưu gốc lâu năm để trồng mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Công ty trong vụ ép 2023-2024”.
Thời điểm này, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đã kết thúc vụ ép 2022-2023 và đang tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để chuẩn bị cho vụ ép 2023-2024.
Tại vùng nguyên liệu mía ở phía Đông tỉnh, Nhà máy Đường An Khê đang đầu tư khoảng 28.500 ha mía nguyên liệu để đáp ứng công suất ép của Nhà máy từ 18.000 tấn/ngày chuẩn bị nâng lên 20.000 tấn/ngày. Theo ông Trần Quang Kiên-Giám đốc Nhà máy: Mỗi vụ, Nhà máy hỗ trợ không tính lãi suất khoảng 350-400 tỷ đồng tiền làm đất, mua giống, phân bón… giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, Nhà máy thu mua giá bảo hiểm thấp nhất không dưới 900 ngàn đồng/tấn mía cây và mua theo giá thị trường khi giá mía nguyên liệu tăng. Những chính sách này giúp đảm bảo thu nhập cho người trồng mía, từ đó bà con yên tâm phát triển vùng nguyên liệu.
Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-thông tin: Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê đã có nhiều chính sách liên kết đầu tư, hỗ trợ người trồng mía trên địa bàn huyện, giúp người dân yên tâm phát triển vùng nguyên liệu hơn 6.000 ha. Hy vọng trong những năm tới, giá mía tiếp tục giữ ổn định để người dân có nguồn thu nhập cao.
Còn tại khu vực Đông Nam tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng rất chú trọng đầu tư từ nguồn giống, phân bón đến cơ giới hóa sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước… Đặc biệt, Công ty áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý ruộng mía của từng hộ giúp người dân yên tâm sản xuất, không lo về đầu ra của sản phẩm. Nhờ đó, năng suất mía đạt bình quân 80 tấn/ha. Đến nay, 4.000 hộ trồng mía đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp không qua các đại lý hoặc thương lái với diện tích 13.500 ha, tăng 2.000 ha so với vụ ép trước.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, đơn vị đang gặp khó khăn do vùng nguyên liệu trước đây được quy hoạch nhưng hiện nay đã hết hiệu lực. Vì vậy, Nhà máy đề nghị tỉnh phân định ranh giới vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy để tránh tình trạng tranh mua gây xáo trộn vùng nguyên liệu cũng như đảm bảo thời gian ép của các nhà máy từ 5 đến 6 tháng. Bên cạnh đó, đảm bảo phục vụ phát triển điện sinh khối, góp phần ổn định giá mía.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Để vùng nguyên liệu mía của tỉnh phát triển bền vững, Sở phối hợp cùng chính quyền các địa phương tập trung tổ chức lại sản xuất ngành mía đường. Cụ thể, chọn những chất đất phù hợp với cây mía để phát triển; liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị chế biến; đẩy mạnh khảo nghiệm giống mía mới có năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh gây hại để đưa vào sản xuất; áp dụng cơ giới hóa và công nghệ tưới nước tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, sản lượng mía.