Đội tuyển Kun Bokator dẫn đầu nội dung đối kháng tại SEA Games 32
Nhoẻn miệng cười, cất giọng nói nhẹ nhàng khác hẳn với lúc thi đấu “máu lửa” trên sàn đấu, Tuyết Mai chia sẻ: “Ở trận bán kết, tôi gặp đối thủ mạnh đến từ nước chủ nhà Campuchia, vì đòn đánh của đối thủ, mắt tôi bị sưng phù đến mức che gần hết tầm nhìn nhưng lúc đó trong tôi hai tiếng “Việt Nam” lại vang lên và tôi cố gắng thi đấu với 200% sức lực để giành chiến thắng vào chung kết. Ngay khi kết thúc bán kết, tôi đã được các bác sĩ của Đoàn thể thao Việt Nam chăm sóc để có thể bước vào trận chung kết với sự chuẩn bị tốt nhất. Với tinh thần và ý chí Việt Nam ấy, tôi đã nỗ lực thi đấu, vượt qua chấn thương để giành chiến thắng trước đối thủ Kun Rru người Philippines với tỉ số 2-1”.
Theo học võ cổ truyền từ năm 2003, Tuyết Mai cho biết cô đã “bị” môn võ này lôi cuốn bởi ngay từ bài nhập môn, các thầy đã chú trọng việc dạy “võ đạo”, tức là đạo đức của người học võ tới các môn sinh. “Võ cổ truyền Việt Nam đã giúp cho tôi rèn được đức tính khiêm nhường, lúc thắng cũng như khi thua, chúng tôi luôn giữ được tâm trí bình lặng, không tự mãn, tự kiêu khi thắng và không suy sụp khi thua trận. Chúng tôi đã học được nhiều điều từ mỗi một trận đấu để hoàn thiện mình, sống và thi đấu tốt hơn”, Tuyết Mai tâm sự.
Và có lẽ chính vì thấm nhuần được triết lý của võ cổ truyền Việt Nam nên cho dù là võ sĩ kỳ cựu từng đoạt nhiều HCV SEA Games ở các môn võ khác nhau và đã 34 tuổi nhưng khi đi thi đấu, Mai vẫn nộp điện thoại cho các thầy để không ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi, sinh hoạt. Mai cũng tâm sự, nhờ theo học võ mà cô có lối sống lành mạnh, kỷ luật, rèn được đức tính khiêm nhường và hiểu được đạo lý “tôn sư trọng đạo” để có được thành tích trong những năm qua. “Trên sàn đấu, dù rất quyết liệt nhưng sau khi thi đấu xong, chúng tôi đều là bạn và có thể cùng nhau tìm hiểu những nét đẹp về văn hóa của mỗi nước. Trước khi thi đấu, tôi và các đồng đội cũng đã được các thầy dặn kỹ lưỡng là phải thể hiện được tinh thần cao thượng, trung thực khi thi đấu cũng như trong sinh hoạt, giao tiếp phải thể hiện được nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam”, Tuyết Mai cho biết.
Những ngày đầu khi chuyển từ võ cổ truyền sang thi đấu môn Kun Bokator, Tuyết Mai và các đồng đội gặp rất nhiều khó khăn vì chưa hiểu luật và cách đánh. Tuy nhiên, sau đó đội đã có chuyên gia từ Campuchia sang huấn luyện và các VĐV Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận để có thành tích đầy ấn tượng, đoạt tới 6 HCV, 3 HCĐ, dẫn đầu nội dung đối kháng. Hôm qua sau khi dọn phòng cẩn thận, cô và các đồng đội đã rời Làng VĐV SEA Games 32 trở về nước. Sau một kỳ Đại hội đáng nhớ, cô gái An Giang sẽ có những phút giây ấm áp bên gia đình trước khi lại bước vào các cuộc tranh tài mới…
TS Lưu Trọng Tuấn, phụ trách môn Võ cổ truyền – Tổng cục TDTT phân tích, võ Kun Bokator là môn võ cổ truyền lâu đời của Campuchia, tương tự như võ cổ truyền Việt Nam. Môn võ này cũng có 2 nội dung thi đấu là thi quyền và đối kháng. Điểm tương đồng giữa võ cổ truyền Việt Nam và võ Kun Bokator của Campuchia là đều xuất phát từ quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc và đều thấm nhuần tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần thượng võ. Nên khi chương trình thi đấu của SEA Games 32 có môn Kun Bokator, lãnh đạo Tổng cục TDTT và Vụ TDTT Quần chúng đã quyết định chọn các VĐV môn Võ cổ truyền Việt Nam sang thi đấu môn Kun Bokator tại Đại hội lần này.
Võ sĩ Tuyết Mai cũng cho biết, chính vì có những nét tương đồng nên khi tập luyện và thi đấu, cô có thể áp dụng các đòn đánh, đá, chỏ lật của Võ cổ truyền Việt Nam sang Kun Bokator. “Dù xuất thân là VĐV võ cổ truyền nhưng tôi đã thi đấu tại SEA Games với danh nghĩa VĐV của nhiều môn võ khác. Như tại SEA Games 2009, lần đầu tiên Muay Thái được đưa vào chương trình thi đấu và tôi được tham gia trong màu áo của đội Muay Thái Việt Nam. Khi ấy tôi là VĐV đầu tiên của Đoàn đoạt HCV tại Đại hội. Sau đó 2 năm, tôi chuyển qua đánh kick boxing và đoạt HCĐ tại SEA Games 2011. Khi thi đấu tại các đại hội thể thao quốc tế, bạn bè nhìn thấy cách đánh của tôi thường hỏi: “Bạn xuất thân từ môn võ nào”, tôi đều rất tự hào và nói rằng: “Tôi xuất thân từ võ cổ truyền Việt Nam và muốn lan tỏa những nét đẹp của võ cổ truyền nói riêng và văn hóa người Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế”, Tuyết Mai chia sẻ.
THU SÂM