Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số.
Chuyển đổi số ngân hàng hay chuyển đổi số là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. |
Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), trong tháng 6/2023, cơ quan này vừa tiến hành khảo sát đối với hầu hết các đơn vị thành viên thuộc hệ thống ngân hàng thương mại trên toàn quốc và ghi nhận rằng: 100% ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, tăng cường an ninh mạng trong thời gian tới. Đây là ưu tiên số một trong Top 5 chiến lược trọng tâm mà toàn ngành ngân hàng cần thực hiện trong năm nay.
Tất cả các ngân hàng tham gia khảo sát đều cho biết dự kiến tăng ngân sách dành cho chương trình bảo mật và an ninh mạng trong năm 2023 cụ thể như: 42,9% số ngân hàng lên kế hoạch tăng từ 6-10%; có 28,6% số ngân hàng chọn phương án tăng từ 15% trở lên và còn lại các ngân hàng tăng dưới 5%. Nguồn lực dự kiến tập trung nhiều nhất vào việc bổ sung thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng cũng như tập trung vào quản trị rủi ro và tuân thủ với kỳ vọng những nỗ lực này cùng nhau góp phần tạo ra một môi trường ngân hàng linh hoạt, tiện lợi, đồng thời an toàn và bảo mật hơn.
Dựa trên kết quả khảo sát, Top 6 công nghệ có mức độ ứng dụng và tương quan cao với hoạt động của ngân hàng đã được chỉ ra. Trên thang điểm 5, điện toán đám mây là công nghệ được đánh giá có mức độ tương quan lớn nhất đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng với 4,4 điểm.
Đây cũng là công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất cùng với tích hợp đa kênh. Hiệu quả chi phí là lợi ích đáng kể mà công nghệ điện toán đám mây mang lại khi cung cấp cho các ngân hàng khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên nhu cầu, giảm chi phí vốn đầu tư, bảo trì đổ vào phần cứng và trung tâm dữ liệu.
Các ngân hàng cũng cho biết, trong thời gian tới, năng lực số hóa của mình có nhiều tiềm năng tiếp tục được cải thiện thông qua khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, máy học, blockchain… góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy các sản phẩm tài chính mới, ông Vinh cho hay.
Không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành ngân hàng là xu thế không thể đảo ngược khi người dùng ngày càng chú trọng tới các giải pháp số. Khảo sát khách hàng ngân hàng được Vietnam Report tiến hành cũng trong tháng 6/2023 này đã chỉ ra rằng, việc ngân hàng có các giải pháp, ứng dụng kỹ thuật số hấp dẫn, tiện lợi được khách hàng quan tâm nhiều nhất khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng với tỷ lệ 84,5%.
Trong khi đó, 85,8% khách hàng thừa nhận tương tác hàng ngày với ứng dụng mobile banking, tỷ lệ này tăng 58,1% so với năm 2022. Điều này phản ánh sự chấp nhận và áp dụng ngày càng tăng của các kênh kỹ thuật số cho các hoạt động tài chính cũng như thể hiện các ứng dụng này đang đáp ứng mong đợi của khách hàng về trải nghiệm ngân hàng liền mạch và hiệu quả. Khách hàng đang nắm bắt sự chuyển đổi sang ngân hàng kỹ thuật số và thoải mái sử dụng các thiết bị di động để quản lý tài chính của họ.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số.
Chứng kiến sự bùng nổ và bứt tốc nhanh chóng của hoạt động chuyển đổi số những năm qua, tăng cường đầu tư công nghệ số được tất cả ngân hàng đồng thuận là lực đẩy mạnh nhất cho tăng trưởng của ngành trong thời gian tới. Các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho biết chuyển đổi số có tác động rõ rệt đến lợi nhuận hoặc hiệu quả hoạt động của mình so với năm trước; trong đó, có tới 71,4% ngân hàng nhận định số hóa mang lại tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh cũng như hiệu suất của ngân hàng, 28,6% còn lại ghi nhận những tác động mạnh từ chuyển đổi số trong năm qua.