Cho vay tăng trưởng thấp nên nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh các chương trình giảm lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn.
Tính đến cuối tháng 5, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng trưởng 3,17%, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm tới nay, ngân hàng Agribank đã 4 lần giảm lãi suất cho vay, cả ngắn hạn (giảm 1,5 – 4%/năm) và trung dài hạn (giảm 0,3 – 1,5%/năm). Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay vẫn khá chậm.
“Có 3 trụ cột tăng trưởng: tiêu dùng, đầu tư và giải ngân đầu tư công. Kinh tế khó khăn nên tiêu dùng của người dân giảm đi, đầu tư thì doanh nghiệp khó khăn đầu ra, khó tiêu thụ sản phẩm thì họ cũng thu hẹp quy mô sản xuất”, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết.
Để thúc đẩy tín dụng, ngân hàng BIDV đã dành 300.000 tỷ đồng để cho vay với mức lãi thấp hơn từ 0,5 – 2%/năm; đồng thời cố gắng đơn giản thủ tục vay vốn, hướng dẫn chi tiết, trực tuyến để người vay có thể tiếp cận nguồn vốn kịp thời.
Tính đến cuối tháng 5, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng trưởng 3,17%.
“Giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 2%, quy định rõ ràng về điều kiện tham gia. Trong quá trình triển khai, ngân hàng luôn có sự đánh giá để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn và có sự chỉnh sửa điều kiện tham gia”, bà Phạm Thị Vân Khánh, Giám đốc Ban khách hàng Doanh nghiệp BIDV, cho hay.
Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần cũng phải tăng cạnh tranh, không chỉ bằng cách giảm thấp lãi suất cho vay, ngân hàng OCB còn đẩy mạnh gỡ khó cho doanh nghiệp như cho phép vay không cần thế chấp bằng bất động sản, cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền.
“Chúng tôi dành gói lãi suất ưu đãi với tổng hạn mức lên đến 3.300 tỷ với mức lãi suất 8,15% cho các khoản vay ngắn hạn. Đối với khách hàng nhập khẩu, ưu đãi nguồn USD thấp hơn 2 – 2,5%”, ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp SME Ngân hàng OCB, thông tin.
Cùng với giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư, yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho những khách hàng gặp khó khăn, qua đó giúp doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, có điều kiện tiếp cận các nguồn vay mới cho phục hồi sản xuất kinh doanh.