Nga cho biết sẽ duy trì liên lạc với Armenia để làm rõ tư cách thành viên của Yerevan sau khi nước này tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tháng trước tuyên bố Yerevan sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) nếu tổ chức này không tuân thủ các nghĩa vụ và xác định khu vực chịu trách nhiệm của mình.
“Chắc chắn chúng tôi đã nghe những tuyên bố này. Rõ ràng còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi cần duy trì liên lạc với Armenia cả trong CSTO và ở cấp độ song phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề và tổ chức các cuộc tham vấn liên quan tuyên bố của Thủ tướng Armenia”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/3 cho hay.
Ông Peskov từ chối trả lời câu hỏi về cách CSTO nhìn nhận tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan. “Đó là câu hỏi dành cho CSTO. Chúng tôi không nên nói thay”, ông lưu ý.
Khi được hỏi liệu tình hình hiện tại có thể là cơ sở để triệu tập hội nghị thượng đỉnh bất thường của tổ chức hay không, ông Peskov nói: “Một lần nữa, việc đó phụ thuộc vào quyết định của CSTO”.
CSTO là khối do Nga dẫn đầu, được thành lập năm 1992, với 5 thành viên còn lại gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tương tự NATO, hiến chương CSTO cũng có điều khoản về phòng vệ tập thể, coi hành động tấn công một thành viên đồng nghĩa tấn công cả khối.
Quan hệ song phương giữa Armenia và Nga xấu đi những tháng gần đây. Ông Pashinyan tháng trước nói Nga khiến Armenia thất vọng sau khi không thể ngăn Azerbaijan phát động chiến dịch chớp nhoáng hồi tháng 9/2023 để giành quyền kiểm soát vùng Nagorno – Karabakh, khiến người gốc Armenia sống ở đó phải sơ tán. Ông cũng tuyên bố đình chỉ tham gia hiệp ước an ninh tập thể với Nga.
Nga phản bác rằng thất bại của Thủ tướng Pashinyan trong việc quản lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Kavkaz là nguyên nhân khiến lực lượng ly khai thân Armenia ở Nagorno – Karabakh thất thế, đồng thời cảnh báo phương Tây đang cố gắng chia rẽ Yerevan và Moskva.
Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo việc Armenia rời CSTO sẽ là diễn biến gây tổn hại cho chính nước này.
Armenia trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Pashinyan, bắt đầu từ năm 2018, đã tìm cách thoát lệ thuộc an ninh vào Nga và mở rộng quan hệ với phương Tây. Những động thái này khiến Moskva không hài lòng và nhiều lần chỉ trích chính quyền Pashinyan có biểu hiện chống Nga. Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan ngày 8/3 cho biết nước này đang cân nhắc gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu.
Huyền Lê (Theo TASS, Reuters)