Nga hôm nay ra lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng, từ 1/3, để bình ổn giá và tạo điều kiện cho các nhà máy lọc dầu nước này bảo dưỡng.
Hôm nay, người phát ngôn của Phó thủ tướng Nga Alexander Novak xác nhận việc nước này sẽ cấm bán xăng ra nước ngoài.
Đài RBC trích nguồn tin thân cận cho biết Thủ tướng Mikhail Mishustin đã chấp thuận lệnh cấm này sau khi ông Novak trình lên ngày 21/2. “Do nhu cầu sản phẩm từ dầu tăng mạnh, biện pháp này là cần thiết để bình ổn giá trong nước”, Novak cho biết trong đề xuất. Lệnh cấm này bắt đầu từ 1/3 và kéo dài trong 6 tháng.
Giá xăng rất quan trọng với các lái xe và nông dân Nga khi là quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Vài tháng qua, một số nhà máy lọc dầu của nước này cũng bị ảnh hưởng vì các cuộc tấn công của Ukraine.
Dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm từ dầu đến nay vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, đem lại nguồn thu ngoại tệ chủ yếu cho Nga. GDP nước này hiện khoảng 1.900 tỷ USD.
Điện Kremlin cũng đang hợp tác với Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, để giữ giá ở mức cao. Đây là mục tiêu chung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu và đồng minh (OPEC+). Nga hiện tự nguyện cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng xăng dầu một ngày trong quý I/2024.
Tháng 9/2023, Nga cũng áp lệnh cấm bán xăng dầu ra nước ngoài, do nguồn cung trong nước khan hiếm và giá nhiên liệu cao. Chỉ trong 3 tuần, giá bán buôn dầu diesel tại Nga giảm 21%. Giá xăng giảm 10%. Lệnh cấm của họ cũng kéo giá toàn cầu lên, buộc một số người mua tìm các nguồn cung xăng và dầu diesel thay thế.
Đến tháng 10/2023, họ nới lỏng lệnh cấm bán dầu diesel và đến tháng 11 dỡ bỏ lệnh cấm với xăng. Nguyên nhân là việc duy trì sản lượng lọc dầu ở mức cao giúp nguồn cung trong nước đảm bảo và giá bán buôn giảm.
Năm 2023, nước này sản xuất 43,9 triệu tấn xăng và xuất khẩu 5,76 triệu tấn, tương đương 13% sản lượng. Nước nhập khẩu lớn nhất mặt hàng này là UAE và các nước châu Phi, như Nigeria, Libya, Tunisia.
Hà Thu (theo Reuters)